Náo nức vui Xuân, đón Tết
Giải trí - Ngày đăng : 08:20, 23/01/2020
Sắc xuân muôn nẻo
Với sự tham gia của 52 nhà thư pháp thuộc nhiều thế hệ, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 và triển lãm thư pháp với chủ đề “Thành Đức” tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng cận Tết Nguyên đán càng thu hút đông đảo người dân và du khách. Từ Sydney (Australia) trở về Hà Nội đón Tết, chị Nguyễn Minh Phúc (phường Vạn Phúc, quận Ba Đình) háo hức chia sẻ: “Một trong những nơi tôi mong đợi đến nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, để được tham gia Hội chữ Xuân, thưởng lãm những nét chữ thư pháp tài hoa và xin chữ may mắn cho gia đình, con cái. Gia đình tôi sẽ trở lại đây vào đêm Giao thừa”. Hội chữ Xuân mở cửa từ 8h đến 20h hằng ngày, riêng ngày 30 Tết mở cửa đón Giao thừa đến 2h sáng.
Cách đó không xa, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có chương trình “Tết Việt 2020” với chủ đề “Nét bút khai xuân”… Không gian này đón khách du xuân trở lại từ ngày 26-1 (tức mùng 2 Tết Canh Tý).
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (phố Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy), chương trình vui Xuân Canh Tý với chủ đề “Sắc thái văn hóa Thái Bình” diễn ra ngày 28 và 29-1 (tức mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý), đưa người dân Thủ đô và du khách tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa của tỉnh Thái Bình thông qua các hoạt động trình diễn chèo cổ, múa “Ông Đùng bà Đà”, múa rối nước, chế biến đặc sản bánh cáy… Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Đặng Xuân Thanh thông tin: “Chúng tôi mong muốn công chúng được khám phá nét văn hóa truyền thống ngày Tết đặc trưng của nhiều miền đất nước, đồng thời tạo cơ hội cho các chủ thể văn hóa tự giới thiệu về nét đặc sắc của địa phương mình, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc”.
Trong khi đó, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) sẽ đưa công chúng và du khách đến với không khí xuân của miền núi phía Bắc thông qua nhiều hoạt động mang chủ đề “Xuân vùng cao”, trong đó điểm nhấn là “Xuân về trên bản” tái hiện lễ giải hạn đầu năm, nghi thức “Lẩu then” và khúc hát ngày xuân của dân tộc Tày, Nùng của tỉnh Thái Nguyên.
Một không gian văn hóa đặc biệt nữa của Thủ đô là Phố sách Xuân Canh Tý 2020 tại Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm) sẽ mở cửa từ ngày 27-1 đến 3-2 (tức từ mùng 3 đến mùng 10 tháng Giêng năm Canh Tý). Những ngày này, Ban Tổ chức và các đơn vị đang gấp rút trang hoàng, chuẩn bị sách báo, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giới thiệu sách, giao lưu, tọa đàm nhằm quảng bá và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Hấp dẫn các hoạt động vui chơi, giải trí
Trong đêm Giao thừa, trước thời điểm bắn pháo hoa, tại 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đều có chương trình biểu diễn văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô thực hiện. Nổi bật là các chương trình tại 6 điểm bắn pháo hoa tầm cao: Khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), Vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), hồ Văn Quán (quận Hà Đông), Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).
Dù không có chương trình “Táo quân”, nhưng đêm Giao thừa năm nay vẫn có chương trình “Gặp nhau cuối năm” lên sóng truyền hình VTV vào 20h ngày 24-1 (tức ngày 30 Tết). Chương trình đưa khán giả vào câu chuyện làng Vũ Đại thời hội nhập, với những nhân vật quen thuộc bước ra từ các tác phẩm văn học, điển tích sân khấu, như: Lão Hạc, Thị Màu, Thị Nở, Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Mõ… Qua đó, những vấn đề nổi bật trong năm qua được phản ánh ấn tượng, hấp dẫn, hài hước với diễn xuất của các gương mặt quen thuộc: Nghệ sĩ nhân dân Tự Long; các Nghệ sĩ ưu tú: Quốc Khánh, Chí Trung, Xuân Bắc, Quang Thắng; các nghệ sĩ Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Vân Dung…
Nhà hát Tuổi trẻ khai xuân với chương trình hài kịch - ca nhạc “Chào 2020 - Lời chúc đầu xuân”, mang không gian tươi trẻ, đầy sức sống thông qua những khúc hát mùa xuân, quê hương, xen kẽ là 3 tiểu phẩm “Nhà hoang”, “Quan lớn chia lợn”, “Hiệp hội những người khôn”. Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Là chương trình khởi đầu năm mới nên toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ đã dồn tâm huyết sáng tạo, đầu tư cả nội dung lẫn hình thức để tạo ấn tượng với khán giả”. Chương trình sẽ ra mắt vào 20h ngày 1-2 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Canh Tý) tại Rạp Tuổi trẻ (11 phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng). Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng sẵn sàng chương trình xiếc “Mừng Đảng, mừng Xuân” mở màn từ ngày 27-1 (tức mùng 3 Tết Canh Tý) tại Rạp Xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng).
Ba bộ phim đồng loạt khởi chiếu vào đúng mùng 1 Tết Canh Tý (tức ngày 25-1), đó là phim giả tưởng “30 chưa phải là Tết”; phim hài, tình cảm “Gái già lắm chiêu 3” và đáng chú ý là phim kinh dị pha chút hài hước, tình cảm “Đôi mắt âm dương”. Trên màn ảnh rộng, người yêu điện ảnh sẽ được thấy những diễn xuất biến hóa của các nghệ sĩ Trường Giang, Ninh Dương Lan Ngọc, Bảo Thanh, Quốc Trường, Thu Trang…
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, trong dịp Tết Nguyên đán, trên địa bàn có khoảng 50 chương trình văn hóa, nghệ thuật với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, trong đó có nhiều chương trình xã hội hóa, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Sở và các cơ quan chức năng luôn giám sát, cổ vũ, tạo điều kiện cho những hoạt động sáng tạo, mang đậm tính truyền thống, bảo đảm cho người dân vui Tết, đón Xuân.