Thu hút đầu tư nước ngoài tại Hà Nội: Khi niềm tin đã được nhân lên...
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 23/01/2020
Từ thương hiệu riêng…
Cuối năm 2019, làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ đến thành phố Hà Nội đối với một số lĩnh vực đạt kết quả tốt, trong đó, có kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thủ tướng nhấn mạnh, môi trường đầu tư - kinh doanh của Hà Nội liên tục cải thiện, với những giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư…
Thực tế, như ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chia sẻ, năm 2019 Hà Nội tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 8,5 tỷ USD (kế hoạch là 7-7,5 tỷ USD). Hầu hết nhà đầu tư đến từ các châu lục, quốc gia có tiềm năng về vốn và công nghệ, như các nước trong EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đều đã có mặt tại Thủ đô. Đáng chú ý, kết quả thu hút vốn “ngoại” của Thủ đô năm 2019 diễn ra theo hướng gia tăng đều đặn qua từng tháng, quý và luôn chiếm vị thế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào kết quả chung về thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng nhận xét, khu vực đầu tư nước ngoài với ưu thế, tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua. Đặc biệt, thông qua dòng vốn này, thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp hội nhập rộng hơn với kinh tế toàn cầu, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất khu vực, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và tạo thêm nhiều việc làm. Đồng thời, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh hơn đối với từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, phương pháp quản trị, đầu tư nhiều cho mẫu mã, chất lượng sản phẩm, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho ngành và cả nền kinh tế.
Nhìn lại những kết quả tích cực kể trên, có thể thấy quyết tâm cao của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài... Công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch, các hoạt động đối ngoại, văn hóa... Thành phố đã tạo điểm nhấn làm nên thương hiệu riêng của Hà Nội, đó là, từ năm 2016 đến nay, hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã trở thành hoạt động thường niên - sự kiện hội tụ giới đầu tư quốc tế và trong nước, với chuỗi hoạt động tìm kiếm cơ hội, nghiên cứu, quyết định đầu tư và triển khai dự án trên địa bàn Hà Nội.
… Đến những ấn tượng sâu sắc
Theo ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt tại Hà Nội khá sớm, triển khai nhiều dự án và thu được những kết quả tích cực. Trong quá trình hoạt động, các dự án luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thực chất từ chính quyền, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội. Điều đó tạo ra sự an tâm, củng cố niềm tin trong kinh doanh và tâm lý tích cực, sẵn sàng hiện diện lâu dài ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. “Nhà đầu tư Hàn Quốc đang đẩy mạnh chiến lược đầu tư theo hướng bài bản, thông qua các dự án, đồng hành với Hà Nội trong quá trình vươn lên thành đô thị hiện đại; với đặc trưng là sáng tạo, đổi mới cũng như dựa trên cơ sở nguồn lực con người, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội...”, ông Ryu Hang Ha thông tin.
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, hiện có khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn mở rộng kinh doanh nhờ tác động tích cực trong việc cải thiện chất lượng môi trường đầu tư vừa qua. Ông Takeo Nakajima nói: “Hà Nội, luôn là ứng cử viên sáng giá nhờ kỹ năng lao động, trình độ, tỷ lệ nhân công qua đào tạo ở mức vượt trội so với các địa phương khác”.
Thực tế là trong năm 2019, dự án xây dựng đô thị thông minh tại Đông Anh trị giá hơn 4 tỷ USD của Tập đoàn BRG và đối tác Sumitomo (Nhật Bản) đã được khởi công, tạo ấn tượng lớn và thu hút sự chú ý của dư luận. Tiếp đó, vào tháng 10-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Chamrvit (Hàn Quốc) để xây dựng, vận hành Tổ hợp dự án trường đua ngựa và hạ tầng dịch vụ liên quan tại huyện Sóc Sơn…, với tổng vốn 420 triệu USD. Đây là những sự kiện minh chứng cho sự quyết tâm của giới đầu tư nước ngoài cũng như sức hấp dẫn về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng…
Năm 2019 đã đi qua - năm mà Hà Nội một lần nữa thể hiện quyết tâm, khát vọng trở thành địa phương hàng đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài. Như nhiều lần lãnh đạo thành phố đã khẳng định, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Hà Nội, với tinh thần thành phố luôn lắng nghe, đồng hành cùng nhà đầu tư.
Từ những nỗ lực đó của Thủ đô, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội, tiềm năng ngày càng được nhân lên. Những kết quả nổi bật trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài của Hà Nội đã, đang lan tỏa, góp phần đáng kể vào "bức tranh" đầu tư nước ngoài sáng màu của cả nước năm 2019. Đó cũng là hành trang đáng tự hào để Thủ đô vững bước vào năm mới 2020, phấn đấu giữ vững vị thế dẫn đầu, là một điển hình để các tỉnh, thành phố khác tham khảo, rút ra những bài học cần thiết trên con đường đi tới thịnh vượng...