Chuyện gia đình - chuyện của phim truyền hình Việt

Giải trí - Ngày đăng : 07:33, 24/01/2020

(HNMCT) - Không phải là những kịch bản bom tấn được Việt hóa, cũng chẳng kể những câu chuyện quá kịch tính, song phim truyền hình Việt về đề tài gia đình năm qua đã thực sự chiếm được trái tim người xem. Và chắc chắn những câu chuyện gia đình như thế vẫn sẽ là thế mạnh của truyền hình Việt.

Bộ phim Về nhà đi con trở thành hiện tượng của màn ảnh nhỏ 2019. Phim vừa giành giải xuất sắc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc 2019.

Phim “quốc dân”

5 năm trở lại đây, năm nào phim truyền hình Việt cũng có những bộ phim ấn tượng. Nổi bật nhất và gần như chiếm lĩnh sân chơi này là những bộ phim do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, viết tắt là VFC) sản xuất. Năm 2019, VFC cũng cho ra lò những bộ phim khiến khán giả “đứng ngồi không yên”, chờ đợi lịch phát sóng, thậm chí gây bão trên mạng xã hội như: Về nhà đi con, Nàng dâu order, Mê cung, Hoa hồng trên ngực trái...

Trong số đó, Về nhà đi con nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, thậm chí được gọi là “bộ phim quốc dân” với lượng người xem đông đảo. Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đi sâu vào vấn đề gia đình của tầng lớp thị dân với những tình huống, câu chuyện rất gần gũi. Nếu tách ra từng mảng miếng để đánh giá, Về nhà đi con không hẳn là bộ phim quá xuất sắc về nghệ thuật. Không có nhiều tình huống mới mẻ trong đường dây kịch bản, cách kể của đạo diễn hay công nghệ làm phim cũng chẳng có gì là “sáng tạo đột phá”... nhưng vẫn có thể chiếm trọn trái tim của người xem. Chính vì vậy, khi ê kíp làm phim Về nhà đi con được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng khen thì đã có không ít những ý kiến cho rằng có sự “thiên vị”, “cảm tính”...

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, ngoài giá trị về nghệ thuật, bộ phim có nội dung tư tưởng rất tốt, góp phần tuyên truyền về tình cảm gia đình, củng cố mối quan hệ trong gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, bồi đắp nền tảng đạo đức xã hội phải bắt đầu từ nền tảng gia đình, trong từng gia đình. Với lý do này thì sự khen thưởng đó là hoàn toàn xác đáng. Câu chuyện được truyền tải trong Về nhà đi con không phải chuyện riêng của một nhóm đối tượng nào trong xã hội. Đó là câu chuyện của mọi gia đình, mọi nhà. Phim đưa ra những kiến giải phù hợp với số đông về những vấn đề đang nảy sinh trong mỗi gia đình như sự dung hòa giữa các thế hệ, giữa mong mỏi giữ gìn truyền thống và những mâu thuẫn của gia đình hiện đại..., thông qua những tình huống nhẹ nhàng, lời thoại đời thường nhưng ấn tượng. Đặc biệt là diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên với những tên tuổi gạo cội như NSND Trung Anh, NSND Hoàng Dũng, dàn diễn viên trẻ được yêu thích Bảo Thanh, Quốc Trường...

Phim gia đình sẽ vẫn là dòng mạch chính

Đó là khẳng định của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC trong một lần chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần. Anh cho biết: “Đối với phim truyền hình Việt, hiện nay chỉ có VTV và một vài đài truyền hình lớn ở phía Nam đầu tư sản xuất phim với mức kinh phí khiêm tốn. Đa phần khán giả vẫn đang có thói quen xem phim cùng gia đình gồm nhiều thế hệ, nên tôi nghĩ đề tài phù hợp nhất vẫn là câu chuyện gia đình”.

Thực tế, các dòng phim khác của VFC hay của phim truyền hình Việt nói chung đều có những thành công. Nhiều bộ phim chính luận, phim hình sự, tình yêu tuổi trẻ, đề tài công sở... cũng có sức hút riêng với công chúng. Song, việc tìm tòi ở các lĩnh vực chuyên môn hẹp chưa phải là thế mạnh của các nhà làm phim Việt trong khi dường như hầu hết ê kíp sáng tạo đều có một năng lực rất mạnh về đề tài gia đình.

Từng sang Anh học về biên kịch, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho rằng kịch bản vẫn là khâu yếu nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở những mảng đề tài mới lạ hơn như trinh thám, giả tưởng, dã sử... Nguyên nhân là bởi những lĩnh vực này đòi hỏi đội ngũ biên kịch giàu vốn sống thực tế, giàu tư liệu sáng tạo, trong khi lực lượng này ở Việt Nam hiện nay khá mỏng. Những biên kịch trẻ, mạnh về cấu trúc, kỹ thuật viết thì ít có trải nghiệm, vốn sống, còn đội ngũ biên kịch lớn tuổi có vốn sống thì khó khăn trong cách xử lý những câu chuyện cho phù hợp khán giả hiện nay. Chính vì vậy, tình cảm gia đình hiện tại vẫn là mảng đề tài được khai thác nhiều nhất. Thế mạnh của đề tài này là sự quen thuộc, dễ nhận được sự đồng cảm của khán giả, song cũng vì thế mà gặp nhiều thách thức. “Vì quen thuộc nên người ta sẽ đòi hỏi nó cao hơn, đã làm là phải xuất sắc, đặc biệt là về cốt truyện, nếu không sẽ bị khán giả quay lưng.

Phim gia đình như món cơm, món phở, quán mở nhan nhản ngoài đường nhưng người ta sẽ tìm đến quán ngon, quán dở sẽ vắng khách”, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chia sẻ.

Năm 2020: Liệu có thêm kỳ tích mới?

Sự thành công của những bộ phim truyền hình về đề tài gia đình thời gian qua đã trở thành động lực cho các đạo diễn tiếp tục dấn thân vào đề tài này. Đạo diễn Vũ Trường Khoa, người từng gây “bão” với các bộ phim Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán, tiếp tục mang đến cho khán giả bộ phim Hoa hồng trên ngực trái. Chuyện phim xoay quanh mối quan hệ muôn thuở mẹ chồng - nàng dâu, những xung đột giữa vợ và chồng, “chính thất” - “tiểu tam” khiến khán giả bị đẩy vào nhiều thái cực cảm xúc, trở thành một trong những bộ phim truyền hình thu hút sự chú ý nhiều nhất của công chúng dịp cuối năm 2019 đầu năm 2020 này.

Tuy nhiên, giống như nhiều bộ phim của đạo diễn Vũ Trường Khoa, Hoa hồng trên ngực trái vẫn mang tính “kịch” khá rõ, dù khán giả có thể khóc cười cùng nhân vật song cảm giác “thấy mình trong phim” thì không phải ai cũng có. Lên sóng từ giữa tháng 11, bộ phim Tiệm ăn dì ghẻ của hai đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu và Nguyễn Thu quy tụ dàn diễn viên tài sắc cũng hứa hẹn nhiều hấp dẫn khi pha trộn cả hơi hướng của một bộ phim hồi tưởng thanh xuân với những câu chuyện gia đình kịch tính. Tuy nhiên qua một số tập, phim vẫn chưa thể trở thành “hiện tượng”.

Bước sang năm 2020, khán giả có quyền chờ đợi và hy vọng vào loạt phim về đề tài tình yêu, gia đình dự kiến phát sóng thời gian tới. Có thể kể đến Thế lực cạnh tranh với sự xuất hiện của cặp diễn viên Lã Thanh Huyền, Mạnh Trường từng gây thương nhớ cho khán giả trong Zippo, mù tạt và em của 3 năm trước, hay các dự án phim Nước mắt loài cỏ dại, Đừng bắt anh phải quên... hứa hẹn hấp dẫn với những tình huống mâu thuẫn gia đình éo le.

Rõ ràng, thành công quá lớn của Về nhà đi con năm 2019 là một niềm tự hào của phim truyền hình Việt, đồng thời cũng là thách thức cho các dự án sau này. Nhưng với những gì đã được thấy trên phim truyền hình Việt trong nhiều năm trở lại đây, chắc chắn khán giả vẫn dành thật nhiều yêu thương cho phim truyền hình nước nhà và sẵn lòng chờ đợi những kỳ tích mới.

An Định