Năm chuột kể chuyện chuột
Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 25/01/2020
Có một giống chuột ta ít gặp, thường thấy ở nông thôn nhưng cái mùi hôi của nó khiến không ai có thể chấp nhận được, đó là chuột chù. Mèo gặp giống chuột này cũng phải tránh xa, lỡ chạm phải có khi lờ đờ mất mấy ngày. Có nơi người ta coi tiếng kêu của chuột chù là điều may mắn, nhưng ở nhiều nơi khác người ta tìm cách tiêu diệt chúng. Giống chuột này không nhanh nhẹn, thị lực kém nhưng khứu giác và thính giác phát triển, thường ăn côn trùng gây hại mùa màng nên có thể được coi có ích cho sản xuất.
Lại có một loại chuột có tên là chuột bạch, khi trưởng thành chỉ to bằng nắm tay trẻ con. Lũ chuột này chỉ có một màu lông trắng muốt, đôi mắt hồng trông rất đáng yêu. Ở khu Mễ Trì thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) trước đây có một cơ sở của Bộ Y tế chuyên nuôi giống chuột này. Họ nuôi thành trang trại, có nhà xưởng hẳn hoi, số lượng hàng vạn con. Nghe nói giống chuột này được dùng thí nghiệm để nghiên cứu vắc xin phòng dịch vì có nhiều yếu tố gì đó giống cơ thể con người. Hồi đó bọn trẻ chúng tôi rất thích đến chơi ở cái trại nuôi chuột đó. Xem chán rồi chúng tôi lại xin chuột bạch về nuôi.
Các cô chú công nhân trong trại hào phóng cho phép chúng tôi bắt những con chuột xổng chuồng đang chạy quanh các chân tường nhà. Chúng chạy không nhanh lắm nên chỉ cần hai đứa đứng chặn hai phía là tóm được. Chúng tôi cho chúng vào các vỏ hộp phấn và đem về nhà. Chúng cũng ăn cơm hay các vụn bánh mì chứ không cầu kỳ gì. Lúc đầu chúng tôi làm nhà bằng bìa cho chúng, để chúng chạy chơi ngay trên bàn và ngồi ngắm, rồi sau mới để xuống góc nhà. Khi đã quen, chúng cũng chạy lung tung. Nhìn những “cục bông” bé tẹo, trắng muốt chạy men tường nhà, lúc đầu mẹ tôi cũng sợ nhưng rồi cũng quen, thấy thích mắt. Được cái đám chuột bạch này không phá phách hay cắn lung tung như bọn chuột nhắt.
Một điều đặc biệt là tuy chuột bạch bé và không gây sự với chuột nhà, nhưng cái mùi nước giải của nó làm cho lũ chuột nhà sợ và bỏ đi hết. Cô bác quanh xóm mới đầu cũng sợ, la mắng chúng tôi, nhưng về sau thấy không có gì phiền toái nên cũng quen dần, thích nhất là đuổi được lũ chuột nhà bẩn thỉu và chuyên ăn vụng.
Khó chịu nhất là lũ chuột nhắt, loại có nhiều ở thành phố. Vừa bé, vừa nhanh nhẹn nên rất khó bắt. Cái tội lớn nhất của chúng chính là sự phá phách gây ra đủ thứ phiền hà. Ngày Tết có tí bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí trong nhà mà có chuột nhắt là không ổn. Chúng không ăn tập trung, mà cứ mỗi chỗ cắn một tí. Gói kẹo bị thủng một lỗ, cái bánh sứt một tẹo, chẳng khác nào trêu ngươi. Chúng tha đồ ăn đi khắp mọi nơi. Từ giá sách, góc học tập đến tủ quần áo, chỗ nào lũ chuột nhắt cũng có thể dùng làm nơi hội họp liên hoan... Rồi chuột cống thì bẩn thỉu, ăn tạp, có thể làm lan truyền bệnh dịch hạch...
Ấy vậy mà người dân quê tôi (Tiên Lữ, Hưng Yên) lại không giữ thái độ khó chịu như thế đối với chuột. Bởi chuột ở thôn quê đa số là chuột đồng, loại thường sống ngoài ruộng hay trong các bụi tre, bờ ao. Chuột đồng là loại thực phẩm bổ dưỡng mà thiên nhiên ban tặng cho dân quê, cũng giống như những con chim cu gáy ngày mùa hay lũ gà đồng vậy.
Người dân quê tôi bắt chuột ăn quanh năm. Hầu như xóm nào cũng có nhóm săn chuột. Cứ độ dăm ngày hay một tuần là các nhóm lại rủ nhau đi săn bắt chuột. Nhóm nào cũng phải có một con chó săn. Luyện cho chó biết cách săn chuột cũng khá công phu. Phải luyện từ bé cho nó quen hơi chuột bằng cách cho ngửi những con chuột nhỏ còn sống. Lại phải đào những cái rãnh nhỏ, lấp đất hay đặt gạch lên để giả làm hang chuột rồi nhét con chuột nhỏ vào đó cho chó tập ngửi hơi. Khi chó đã quen mùi thì thả chuột ra cho chó tập đuổi. Lại phải tập cho chó không sợ nước. Người dạy phải lội xuống ao, bế chó, tắm cho chó dưới ao rồi bơi cùng nó.
Kết quả đạt được cuối cùng là khi đứng trên bờ ao, ném con chuột sống ra giữa ao, kêu “suỵt” một tiếng thì lập tức con chó nhảy ngay xuống ao bơi ra bắt. Chuột bơi dưới nước không nhanh lắm, nên bao giờ con chó cũng đuổi kịp. Một điều cốt yếu nữa là những con chó săn chuột phải được luyện để không bao giờ cắn chết chuột. Chúng chỉ đuổi theo, ngoạm đủ cữ ngang người con chuột rồi chạy về bên chủ. Chỉ khi người chủ nắm được con chuột rồi thì con chó mới nhả ra. Việc huấn luyện chó thường phải mất nửa năm. Những con chó đủ một năm tuổi là có thể dùng đi săn chuột được rồi. Mà chó săn chuột cũng chỉ là giống chó ta thôi, không lẫn giống chó Tây chút nào cả. Ngoài con chó là “lực lượng chủ lực”, dụng cụ bắt chuột thường có cái thuổng đào đất, cái thau múc nước, cái xiên và vài cái hom làm bằng ống nứa.
Khi đi săn chuột, việc phát hiện ra hang có chuột phải nhờ hoàn toàn vào tài đánh hơi của chó. Mỗi hang chuột thường có nhiều ngách thông nhau, vì thế phải phát hiện các ngách rồi cắm chặn ở mỗi miệng hang một cái hom. Việc tiếp theo là múc nước đổ vào hang. Khi chuột bị ngạt chạy ra, rúc vào hom nào thì bóp hom đó lại để bắt chuột. Đôi khi, vì không xác định hết số ngách hang chuột nên bỏ sót không cắm hom, thì rất có thể khi hang bị đổ ngập nước, con chuột sẽ chạy qua ngách đó để thoát thân. Lúc ấy sẽ lại phải trông cậy vào chó. Những con chó săn chuột sẽ phát hiện rất nhanh và đuổi theo chuột, dù cho nó có nhảy xuống ao hay mương nước. Đôi khi con chuột nhanh hơn, trèo tuốt lên bụi tre gần đó thì buộc phải dùng “xì đòng” để đâm. Tình huống này ít xảy ra, và việc đâm chuột là vạn bất đắc dĩ. Những con chuột sống khi làm thịt sẽ thơm ngon hơn rất nhiều so với những con chuột đã chết.
Ở quê tôi, từ những năm đánh Mỹ, ba cân thịt chuột đã đổi được một cân thịt gà. Vào ngày gặt lúa tháng năm thì mới thật sự náo nhiệt. Khi đó, những con chuột đồng rất béo, lông mượt ánh vàng. Ruộng lúa khô nên trong lúc gặt thỉnh thoảng lại có chuột. Thế là cả ruộng lúa lại rộn lên tiếng người hò nhau chộp bắt. Hầu như sau buổi gặt ai cũng bắt được một vài con và bữa chiều thì nhà nào cũng có món thịt chuột. Ngon nhất là thịt chuột nấu giả cầy (hơi mất công một chút, và phải bắt được nhiều chuột mới bõ làm), sau đó là món rán hay nướng. Nhưng nhiều người cũng thích món chuột luộc đơn giản chấm muối chanh, dù khi ăn da của nó hơi bị dính như có keo.
Những năm tháng đi bộ đội, vào trong chiến trường, đôi khi chúng tôi cũng bắt được chuột để cải thiện. Đó là những con chuột chũi mà nhiều nơi gọi là chuột núi. Chuột chũi rất to, thường cỡ hơn một cân, lông dày và có hai cái răng cửa rất dài. Chúng đào hang rất sâu, thường ở dưới các bụi tre hay bương, vầu. Lúc tĩnh lặng, ngồi cạnh bụi tre nào mà nghe tiếng cắn măng kêu kèn kẹt là biết trong đó có chuột chũi. Đào hang bắt chuột chũi rất vất vả. Phải ba người đào vài tiếng đồng hồ, lượng đất bới lên có khi tới hai, ba mét khối mới mong bắt được chuột chũi. Bù lại, thịt chuột chũi chắc, thơm ngon như thịt nhím hay thịt tê tê. Cuộc sống trong rừng đôi khi nhờ có sự cải thiện đó mà bớt đi nỗi buồn.
Bây giờ ở quê tôi không còn nhiều nhóm săn chuột như ngày xưa. Chuột đồng cũng ít đi, phần bị tổ chức đánh bả hàng loạt, phần do những người săn chuột chuyên nghiệp từ tận Bắc Ninh kéo sang đánh bắt và bán cho các nhà hàng đặc sản. Thịt chuột đắt, có những đận ba cân thịt chuột bằng hai cân thịt gà. Tuy thế, mỗi lần về quê đều có thể ăn thịt chuột nếu muốn vì đây như món ăn “cây nhà lá vườn” dễ kiếm.