Nền tảng cho khát vọng phát triển nhanh và bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 08:08, 25/01/2020
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu tăng trưởng rất cao mà Quốc hội đề ra, Chính phủ đã quyết liệt, phản ứng nhanh trước các tình huống khó khăn lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán, đưa con thuyền kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2019. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 46%. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2%; vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất - nhập khẩu vẫn tăng và đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỷ USD. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh…
Đáng lưu ý, kết quả tăng trưởng trên không dựa vào những công cụ kích cầu ngắn hạn mà tập trung nỗ lực phát huy tăng trưởng từ tiềm năng, nội lực, lợi thế so sánh của các ngành, địa phương. Kết quả xuất, nhập khẩu khả quan thời gian qua cũng chính là “trái ngọt” trực tiếp của chiến lược hội nhập với những bước đi mạnh bạo, kiên quyết, thống nhất xuyên suốt và rõ ràng.
Với đà phát triển chung của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng. Cả năm 2019 đã có 138.100 doanh nghiệp thành lập mới và 24.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, có tới gần 40.000 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới.
Dấu ấn lớn nữa là Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đi đầu trong thực hiện chính phủ điện tử thông qua đưa toàn bộ việc quản lý văn bản và giải quyết hồ sơ công việc trên nền điện tử. Người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng không phải gặp gỡ mà chỉ cần qua địa chỉ www.dichvucong.gov.vn, mất chưa đến 5 phút là có thể thực hiện rất nhiều dịch vụ công trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có một số dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ, gồm: Đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử...
“Có giấy tờ là có việc gặp gỡ trực tiếp nên dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, người dân như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, xây dựng… Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì Chính phủ không chấp nhận việc đó”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Song song với việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ đã giải quyết hiệu quả tình trạng luật "chờ" nghị định, nghị định "chờ" thông tư. Qua rà soát, 9 bộ, gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phải ban hành 56 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật. Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ, với đích đến là thu hút đầu tư, giảm thực chất thủ tục hành chính.
Kiến tạo không ngừng, hành động quyết liệt
Giáo sư Đào Nguyên Cát, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam chia sẻ niềm phấn khởi rằng, ông đang thấy một Chính phủ chuyển động mạnh mẽ và sáng tạo; một Chính phủ không ngừng kiến tạo, hành động và hành động quyết liệt. Dù đạt nhiều thành quả, Chính phủ vẫn không quá lạc quan với thành tích này. Nghĩa là Chính phủ luôn đặt ra những yêu cầu mới, mục tiêu mới, cao hơn...
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 diễn ra các ngày 30, 31-12-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Năm 2020 phải tái cơ cấu nền kinh tế quyết liệt và hiệu quả hơn. Phải tìm dư địa mới cho tăng trưởng, tận dụng tối đa các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số cho đầu tư phát triển... Trước đó, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt rà soát, tháo gỡ các “nút thắt” về thể chế một cách cụ thể. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm cần khai thông, khai phóng tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế tự cường; phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Chính phủ phấn đấu hết năm 2020, cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tăng 3 bậc…
Đi vào những giải pháp cụ thể, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 Chính phủ đã đề ra. Ông cho rằng, đưa nền kinh tế phát triển là quyết tâm rất rõ ràng của Thủ tướng. Nhưng để mang lại kết quả, phải được sự đồng hành mạnh mẽ của các lãnh đạo cấp cao khác, đặc biệt là các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, tạo nên các xung lực và sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp vào Chính phủ là rất lớn. Trong hành trình năm 2020, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế. Thứ nữa, cần tập trung vào các động lực cho tăng trưởng bằng cải cách thể chế cũng như pháp lý để có được sự phát triển về chiều sâu, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động đầu tư và hội nhập. Chiến lược hội nhập ở đây không chỉ là cắt bỏ hàng rào thuế quan và khai thác mở cửa thị trường, mà điều quan trọng là cải cách trong tất cả các khía cạnh và lĩnh vực trong các cam kết hội nhập đã có.
Tiếp nối hành trình kiến tạo, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". Đó cũng là điều kiện để tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật... Mục đích cuối cùng là khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm; kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”…
Thực hiện thành công những nhiệm vụ này chính là cơ sở cho việc thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội. Thắng lợi đó sẽ tạo lập nền tảng có tính động lực cho khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững.