Bản lĩnh tiên phong
Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 25/01/2020
1. Trên con phố Hàm Long sầm uất, ngôi nhà số 5D nằm khiêm nhường và vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc của 91 năm về trước.
Vào tháng 3-1929, nhận thấy sự bức thiết phải thành lập một tổ chức cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng, những thanh niên tiên tiến của Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội thuộc Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (thành lập cuối năm 1926 ở làng Dịch Vọng) đã bí mật họp tại số nhà 5D Hàm Long, thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước. Chi bộ gồm 8 người, trong đó nòng cốt là các đồng chí: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du... Đồng chí Trần Văn Cung được bầu làm Bí thư chi bộ. Ngay từ khi thành lập, chi bộ đã nhất quán chủ trương tiến tới thành lập Đảng Cộng sản và lựa chọn những hội viên thanh niên ưu tú, bồi dưỡng cho việc thành lập Đảng.
Từ khi ra đời, chi bộ đã tích cực đi sâu vào quần chúng lao động để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng và phát triển tổ chức. Chỉ 3 tháng sau, ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức được thành lập mà nòng cốt là các đảng viên của chi bộ 5D Hàm Long, đồng thời cũng là những đảng viên kiên trung đầu tiên góp phần quan trọng vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam không lâu sau đó. Tiếp đến, ngày 17-3-1930, tại 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Thành bộ Hà Nội được thành lập. Việc ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên của cả nước, rồi Thành bộ Hà Nội (tiền thân của Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày nay) thêm một lần khẳng định: Hà Nội luôn là nơi phát sinh, phát triển những tư tưởng tiến bộ mới, các phong trào cách mạng trong quá trình đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Tiêu biểu là trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đồng bào cả nước vùng lên, để ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập…”. Trong kháng chiến chống Pháp, cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ở Thủ đô đã góp phần vừa củng cố niềm tin tất thắng cho nhân dân cả nước, vừa bảo toàn lực lượng. Đó là tiền đề để 9 năm sau, đất nước ca khúc khải hoàn với chiến thắng Điện Biên Phủ và “năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội đã minh chứng cho thế giới biết được sức mạnh lương tri và phẩm giá của dân tộc Việt Nam, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” - buộc Mỹ ký Hiệp định Paris rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam, tạo điều kiện để Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, non sông liền một dải...
Cũng trong những thời khắc đó, mảnh đất Hà Tây kể từ khi Đảng ra đời, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng luôn là địa phương khởi nguồn của nhiều phong trào cách mạng. Tiêu biểu là tại xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) có phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” ra đời trong chiến tranh chống Mỹ đã động viên tinh thần con em địa phương lên đường chiến đấu. Phong trào này nhanh chóng lan rộng khắp miền Bắc, kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Hà Nội cũng luôn đi đầu, là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua, đổi mới, sáng tạo của cả nước.
2. Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 20-10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã nhắc nhở: Đảng bộ Hà Nội luôn chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, bởi thành phố có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Vì thế, Hà Nội phải hết sức chú ý tới việc giữ ổn định chính trị, an ninh và cần xây dựng hình ảnh một thành phố văn minh, lịch sự. Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu đi đầu cả nước về kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh để thu hút nguồn lực xây dựng đất nước...
Thấm nhuần định hướng đó, với trách nhiệm là đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất cả nước, gồm 50 đảng bộ trực thuộc, gần 2.500 tổ chức cơ sở Đảng và hơn 447 nghìn đảng viên, chiếm khoảng 10% tổng số đảng viên toàn quốc, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn ý thức sâu sắc vai trò và trọng trách của mình với Đảng và dân tộc. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,29% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp tới trên 16% GDP và hơn 19% về thu ngân sách cả nước; luôn giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI (2015-2020), Hà Nội đã đạt nhiều thành công trên các mặt công tác, là hình mẫu cho nhiều địa phương học tập. Tiêu biểu là năm 2019, 21/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đối với 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội XVI đã đề ra, 3 chỉ tiêu đã về đích sớm 2 năm (tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo), 9 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện trong năm 2020. Thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 7,62%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 127,6 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra. Kết quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo đều vượt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ. Văn hóa - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển cao, xứng đáng với vị trí là trung tâm lớn của cả nước.
Thành quả to lớn ấy có được là nhờ Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ, Quốc hội. Bản thân nội lực của thành phố cũng không ngừng được củng cố về tổ chức, được chăm lo nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên; khẳng định được phẩm chất tiên phong, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự tin vững tay chèo lái con thuyền phát triển của Thủ đô hướng về phía trước. Trong đó, việc chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố được Trung ương đánh giá cao. Toàn Đảng bộ cũng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua những hành động cách mạng cụ thể.
Tự hào với những thành quả đạt được, tuy nhiên hành trình phía trước của một Thủ đô văn minh, hiện đại vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là những vấn đề về phát triển đô thị bền vững liên quan đến giao thông, môi trường, trật tự đô thị, quy hoạch và giám sát quy hoạch... luôn từng ngày biến đổi, đòi hỏi bản lĩnh, tầm nhìn vượt thời gian mới có thể xử lý tốt, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân Thủ đô, người dân cả nước và bạn bè quốc tế yêu mến Hà Nội.
Nhiệm vụ nào cũng sẽ có chông gai, nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và kỳ vọng “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác” của Người, Đảng bộ Hà Nội sẽ tiếp tục kiên trì mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tất cả phải hướng tới việc huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, việc chuẩn bị các điều kiện nhằm triển khai thành công Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện để Thủ đô nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, huy động tốt hơn các nguồn lực phát triển bứt phá, bền vững trong những năm tới.
...Từ đốm lửa nhỏ của ngôi nhà số 5D Hàm Long, nhìn lại chặng đường lịch sử của Đảng bộ thành phố 90 năm qua, có thể khẳng định: Nhân tài Hà Nội không hiếm, trí tuệ Hà Nội đang cao, cơ sở hạ tầng Hà Nội đã khá, quyết tâm chính trị Hà Nội luôn quyết liệt. Đón chào những sự kiện lớn trong năm 2020, bằng bản lĩnh và quyết tâm đổi mới, bằng niềm tin vững chắc vào tương lai tốt đẹp, mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát huy hào khí Thăng Long, chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.