Từ Thành phố Vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo: Khát vọng cống hiến

Chính trị - Ngày đăng : 07:18, 25/01/2020

1.

Cách nay 1010 năm, cuộc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long của vua Lý Công Uẩn, mở đầu cho nền văn hiến Thăng Long, thực chất là một cuộc kiến tạo vĩ đại trong lịch sử dân tộc, chở theo khát vọng hòa bình và bền vững muôn đời cho Thủ đô và đất nước.

“Sáng tạo” và “hòa bình” đã trở thành “biểu tượng” góp phần giải mã vùng đất tinh hoa hội tụ.

Sau gần 10 thế kỷ, kể từ buổi kiến tạo lịch sử ấy, ngày 16-7-1999, Ủy ban Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao tặng Hà Nội danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Từ đó đến nay, Hà Nội vẫn là thành phố đầu tiên và duy nhất của khu vực được nhận danh hiệu này - danh hiệu gắn liền với ước vọng nghìn năm của thành phố.

Danh hiệu Thành phố Vì hòa bình dựa trên những tiêu chí chặt chẽ. Hà Nội là nơi không ít người “vừa lớn lên đã giáp mặt quân thù/Chớp mắt hai lần chiến tranh phá hoại”, từng được bạn bè quốc tế xúc động gọi tên là “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người”; và đó cũng là nơi đầy ắp những giá trị nhân bản của một đô thị đáng sống, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đó là những vấn đề nòng cốt từ xây dựng đô thị, môi trường, bình đẳng trong cộng đồng cho tới phát triển văn hóa và giáo dục…

Hà Nội không thay đổi tất cả những mục tiêu đó cho đến nay, đồng thời làm phong phú hơn cho phù hợp với xu thế phát triển của Thủ đô, đất nước cũng như thế giới! Hà Nội vẫn kiên trì những bước đi mang theo bao ước mong giản dị, tha thiết của người dân thành phố! Trên tất cả các lĩnh vực, các chiều kích, Hà Nội đang mở rộng ra, ghi dấu thêm, làm sâu sắc, thực chất hơn tất cả những nội dung đó.

Những nỗ lực này đã mang lại cho Hà Nội một diện mạo đời sống mới, tác động trực tiếp tới cộng đồng quốc tế. Một trong những kết quả đó là tròn 20 năm sau khi Hà Nội được gọi tên “Thành phố Vì hòa bình”, ngày 30-10-2019, Thủ đô Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong lĩnh vực thiết kế.

2. Có thể thấy bước vận động của Hà Nội trên suốt chặng đường dài 1010 năm qua đã luôn xoay quanh cảm hứng nhất quán. Cảm hứng hòa bình, sáng tạo!

Hồ sơ Thành phố sáng tạo của Hà Nội trình UNESCO đánh giá: Hà Nội đang đứng trước một bước chuyển mình then chốt. Việc được UNESCO vinh danh Thành phố Vì hòa bình vào năm 1999 với các cam kết trên các tiêu chí đã tạo nền tảng vững chắc để Hà Nội tiếp tục thực hiện những thay đổi lớn lao.

Thật vậy, hòa bình là điều kiện để có thể phát huy mọi sáng tạo, nguồn cảm hứng và sinh dưỡng lớn lao nhất của sáng tạo. Trong đó, Thành phố Vì hòa bình không chỉ là thành phố im tiếng đạn bom mà là thành phố nhân văn, hài hòa với môi trường, thân thiện với con người…

Hà Nội trở thành địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quốc tế, những sự kiện “nóng” được cả thế giới dõi theo. Cảm hứng và không khí hòa bình của Hà Nội đã mời gọi các nguyên thủ nhiều quốc gia thả bộ thư thái trên đường phố Thủ đô Hà Nội, thong thả thưởng thức ẩm thực đất Thăng Long. Cũng chính cảm hứng hòa bình và sức sáng tạo của Hà Nội đã đưa thành phố liên tục đứng vào hàng điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực và thế giới.

Bầu không khí sáng tạo nảy nở khắp thành phố, trên nhiều cung bậc. Hà Nội trở thành thành phố có nhiều không gian sáng tạo nhất cả nước. Nông thôn mới Hà Nội ngày một khang trang, mà vẫn duy trì bản sắc, đặc biệt với những “công trình” sáng kiến của chính người dân và chính quyền cơ sở như “đường có hoa, nhà có số, phố có tên”…

Nhưng Hà Nội có thể làm nhiều hơn thế và phải làm nhiều hơn thế!

Trong đó, đúng như nhận định, quyết tâm gửi gắm trong hồ sơ Thành phố sáng tạo mà Hà Nội trình UNESCO thì: “Trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong 20 năm tới”.

Những thay đổi chiến lược đó là gì?

Là đặt sự sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào trung tâm của sự phát triển bền vững thành phố, với tầm nhìn rộng để trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Thiết kế vốn là lĩnh vực rộng, việc thực hiện nội dung này với Hà Nội vừa là thách thức nhưng cũng lại là cơ hội lớn. Trước mắt, 4 năm tới, Hà Nội sẽ phải cung cấp Báo cáo giám sát thành viên đầu tiên theo yêu cầu (4 năm một lần) của UNESCO. Nội dung về việc thực hiện các cam kết sáng tạo như một động lực phát triển bền vững cấp địa phương và quốc tế. Công việc phía trước tuy bề bộn song cũng rất nhiều cảm hứng. Đó là thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội; dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội…

Nhưng trở thành Thành phố sáng tạo không phải chỉ là thực hiện những nội dung cam kết kể trên. Thiết kế sáng tạo phải trở thành nguồn cảm hứng không mệt mỏi để phát triển thành phố bền vững, trong đó con người luôn là chủ thể, đích đến và động lực của quá trình này.

3. Có thể nói ngay khi chưa trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã là đô thị luôn ôm ấp những ước mơ sáng tạo, bất kể ở quy mô nào, từ nhỏ bé, tinh tế như việc đưa nghề thêu truyền thống của làng nghề vào các sản phẩm đương đại cho đến quy mô như xây dựng Thành phố thông minh…

Dự án Thành phố thông minh, một yếu tố cấu thành của Thành phố sáng tạo vừa khởi công một ngày đầu tháng 10-2019 tại huyện Đông Anh là một ví dụ. Triển khai theo 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành sau gần 10 năm, điều đáng nói là các hạng mục đều hướng tới việc áp dụng những công nghệ hiện đại để phục vụ cho mọi sinh hoạt của người dân và quản lý đô thị từ năng lượng, giao thông, quản trị, học tập đến kinh tế… Cùng với dự án này, theo kế hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hà Nội sẽ xây dựng Thành phố thông minh từ nền tảng của Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Anh hùng, Thành phố sáng tạo; từ những đặc điểm đô thị, dân sinh của một Thủ đô đã qua 4 lần điều chỉnh về địa giới hành chính (từ năm 1954 đến nay) để rồi được mở rộng gấp 3,6 lần, ôm trọn cả những vùng văn hóa máu thịt. Xây dựng Thành phố thông minh cũng là cách để huy động, tập hợp, làm thức dậy những sáng tạo và cống hiến của mọi người dân thành phố trong việc biến Hà Nội trở thành một đô thị truyền cảm hứng, đáng sống.

Trung tuần tháng 11-2019, phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại thành phố Melbourne, Australia - một trong số ít các thành phố đáng sống nhất thế giới. Tại đây, các học viên của Việt Nam, trong đó có Hà Nội vừa kết thúc khóa đào tạo ngắn hạn về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, phát triển trong lĩnh vực công”. Một trong những nội dung đào tạo là về Thành phố đáng sống, Thành phố thông minh.

Từ những gì mà người viết được chứng kiến tại đây, càng thấy rõ Hà Nội còn cần nhiều hơn những sáng tạo cụ thể và phục vụ trực tiếp cho lợi ích cộng đồng mà không phải luôn luôn cần đến công nghệ quá hiện đại. Những đường gờ nổi chạy khắp đường phố Melbourne dành cho người khiếm thị, tiếng “tích tích tích” dồn dập gắn liền với đèn tín hiệu giao thông giúp người khiếm thính qua đường an toàn hay thùng rác có đèn báo rác đầy… đều là những ví dụ tiêu biểu về tính “đáng sống” của thành phố, dựa trên ứng dụng công nghệ hợp lý.

Với Hà Nội, sáng tạo để trở thành Thành phố đáng sống là bên cạnh việc các công trình tiếp tục phải vươn lên như những nhịp cầu vững chãi, lấp lánh ánh sáng của Nhật Tân, Vĩnh Tuy, thì còn là nụ cười bình dị ấm áp của người dân khi được hưởng những dịch vụ công trực tuyến chất lượng từ thành phố; như cảm giác yên tâm, nhẹ nhõm khi được “check” mã QR Code truy xuất nguồn gốc thực phẩm; hay được thong thả thể dục bên đường dạo quanh hồ đã được cải tạo đẹp đẽ, xanh trong…

Từ Thành phố hòa bình đến Thành phố sáng tạo - những danh hiệu một lần nữa thúc đẩy Hà Nội không chỉ tận dụng sức hấp dẫn của mình để nhận về những cơ hội, mà quan trọng hơn là từ đây tiếp tục “cho” đi, cống hiến cho người dân những giá trị nhân sinh cụ thể; tiếp tục ghi dấu trong lòng bè bạn năm châu hình ảnh một thành phố Thủ đô thực sự là biểu tượng của “lương tri và phẩm giá con người”.

Cao Hải Giang