Những sứ giả hòa bình

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 07:54, 26/01/2020

(HNM) - Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, cơ chế hợp tác đa phương về an ninh có tính chất và quy mô lớn nhất trên phạm vi toàn cầu do Liên hợp quốc dẫn dắt. Những sĩ quan mang mũ nồi xanh đang làm nhiệm vụ tại những điểm nóng hàng đầu thế giới chính là sứ giả hòa bình của Việt Nam, một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do.

Tự hào Bộ đội Cụ Hồ

Sáng 26-11-2019, đoàn cán bộ, chiến sĩ gồm 30 người đã rời Hà Nội trên chiếc máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III của Không quân hoàng gia Australia sang phái bộ Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trước đó, chuyến bay sáng 19-11-2019 đã đưa 29 cán bộ, nhân viên Việt Nam sang nước này và di chuyển đến căn cứ Bentiu an toàn. Đây là những quân nhân thuộc biên chế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 mà Việt Nam triển khai tại quốc gia châu Phi sau thành công của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vừa hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tá, bác sĩ Võ Văn Hiển, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chia sẻ cảm xúc vinh dự xen lẫn hồi hộp khi được cùng đồng đội làm nhiệm vụ tại đất nước còn nhiều khó khăn này. Tuy nhiên, mang trong mình tinh thần của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tá, bác sĩ Võ Văn Hiển khẳng định: “Thành công của các đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sẽ là động lực để các cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tiếp tục phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và của những người thầy thuốc quân y nói riêng trong quá trình thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan”.

Bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ tháng 10-2018, 63 cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã để lại ấn tượng đặc biệt với bạn bè quốc tế và người dân Nam Sudan. Không chỉ thực thi nhiệm vụ bảo đảm y tế, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại địa phương, các thành viên của bệnh viện đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao, góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp về người quân nhân Việt Nam. 

“Trong điều kiện rất khó khăn, khắc nghiệt và các tiêu chuẩn, quy trình nghiêm ngặt của Liên hợp quốc, các cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ để thích nghi với điều kiện làm việc, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao”, Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã xúc động chia sẻ tại lễ đón cán bộ, nhân viên bệnh viện hoàn thành nhiệm vụ về nước. Giám đốc dịch vụ y tế của Liên hợp quốc Jillann Farmer từng khẳng định không có bệnh viện dã chiến cấp 2 nào tốt hơn bệnh viện của Việt Nam tại Nam Sudan. Hoạt động của bệnh viện đã giúp gia tăng cơ hội sống sót của các nhân viên Liên hợp quốc sau những đợt tấn công của phiến quân, tai nạn hay dịch bệnh nghiêm trọng. Tháng 11-2019, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã được Liên hợp quốc trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình và 4 chiến sĩ được tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc.

Tuy nhiên không chỉ có chuyên môn tốt, kỷ luật cao, những chiến sĩ mang mũ nồi xanh của Việt Nam còn được yêu mến bởi sự gần gũi, luôn giúp đỡ, chia sẻ với đồng nghiệp cũng như người dân địa phương. Từ những kinh nghiệm trong quá trình tiến hành chiến tranh nhân dân, những chiến sĩ Việt Nam đã khéo léo kết hợp với các kiến thức chuyên môn để áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn thực tế. Điều đó đã tạo nên đặc trưng của sĩ quan Việt Nam, những người lính sống trong lòng dân, có tinh thần tương thân, tương ái. Bởi vậy mà dẫu đã kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi, hình ảnh về những lớp học cho trẻ em nghèo tại quốc gia đang chìm trong bạo lực này của Thượng tá Lê Ngọc Sơn vẫn được nhớ mãi. 

Là sĩ quan tham mưu tác chiến, ngoài nhiệm vụ ở văn phòng từ 8h sáng đến 5h chiều, Thượng tá Lê Ngọc Sơn đã dành tất cả thời gian còn lại để dạy cho các học sinh địa phương ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tình yêu thương, sự nhiệt tình của người thầy giáo mang quân hàm đã nhận được sự ủng hộ từ bạn bè trong phái bộ, người dân và tình cảm của những học trò nhỏ. Không quản ngại hiểm nguy, nhiều em vẫn đi bộ 2 giờ rưỡi để đến với lớp học của bộ đội Việt Nam. Trong một hội nghị của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, sau khi biết chuyện lớp học của Thượng tá Lê Ngọc Sơn, mọi người đã yêu cầu anh đứng dậy rồi tán thưởng với những tràng vỗ tay không ngớt. “Lúc đó, tôi nhớ về quê hương. Tôi cảm thấy tự hào vì mình là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, một người lính Cụ Hồ”, Thượng tá Lê Ngọc Sơn chia sẻ.

Nhận định về hiệu quả công tác của sĩ quan Việt Nam tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khẳng định, quân đội Việt Nam luôn chủ động, sẵn sàng, thích ứng tốt với nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác củng cố hòa bình, tái thiết đất nước. Các sĩ quan của Việt Nam ở những cương vị khác nhau đều thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, không vi phạm các quy định, kỷ luật của Liên hợp quốc. Điều này không dễ dàng khi hoạt động ở những môi trường phức tạp và khó khăn.

Chung tay kiến tạo hòa bình

Gần 70 năm qua, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa chiến tranh, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới. Bối cảnh của thế kỷ XXI đặt ra những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao hơn, đòi hỏi trách nhiệm, sự cam kết tham gia của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Trên tinh thần đó, năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” để một năm sau đó hoạt động này được triển khai. Sự kiện trên là quyết định đột phá, mang ý nghĩa nhân đạo quốc tế to lớn, khẳng định với thế giới về một đất nước Việt Nam đang chuyển mình, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong 5 năm thể chế hóa các hoạt động cấp quốc gia, nước ta liên tục gia tăng lực lượng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình. Ở cấp cá nhân, Việt Nam đã triển khai 40 lượt sĩ quan tại 2 phái bộ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Ở cấp đơn vị, Việt Nam duy trì sự hiện diện của Bệnh viện dã chiến cấp 2 kể từ tháng 10-2018, đồng thời khẩn trương chuẩn bị cho đội công binh để triển khai khi có yêu cầu. Điều này thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tích cực tham gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh tại khu vực và trên thế giới, phù hợp với những cam kết của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các hội nghị và diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, với quy mô ngày càng mở rộng, việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình đã dần trở thành một lĩnh vực hợp tác quốc tế ngày càng quan trọng của Việt Nam, là kênh hiệu quả để thực thi chính sách đối ngoại rộng mở. Đánh giá cao sự đóng góp của quân đội Việt Nam vào nhiệm vụ nhiều thách thức của Liên hợp quốc, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix cho rằng, những nỗ lực của Việt Nam nhằm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động gìn giữ hòa bình rất đáng làm hình mẫu cho nhiều nước khác.

Trong thời gian tới, việc tham gia lực lượng mũ nồi xanh tiếp tục là ưu tiên cao của Việt Nam, đặc biệt khi nước ta đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình, dù còn hạn chế về kinh nghiệm và nguồn lực nhưng Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa vào hoạt động gìn giữ hòa bình để chung tay chia sẻ, thực thi các sáng kiến, hành động cụ thể nhằm kiến tạo, duy trì hòa bình, tạo dựng nền tảng phát triển bền vững cho các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột.

Mai Chi