Tết Nhảy của người Dao
Văn hóa - Ngày đăng : 08:26, 26/01/2020
1. Đứng trên Dốc Sổ nhìn xuống, xã Ba Vì ẩn mình trong màu xanh ngút ngàn của rừng núi Tản Viên. Không gian thanh bình, xã miền núi Ba Vì phát triển không kém các xã vùng đồng bằng về cơ sở hạ tầng: 100% đường làng, ngõ xóm, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… đã được kiên cố hóa bằng bê tông, cốt thép. Dọc các tuyến đường, ngày càng mọc lên nhiều ngôi nhà cao tầng…
Trò chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Hiến, ở thôn Yên Sơn, kể: "Ngày trước, người Dao chỉ biết phát nương làm rẫy và sống rải rác trên đỉnh núi. Tới năm 1968, Nhà nước vận động, hỗ trợ an cư, đồng bào mới “hạ sơn”, sinh sống tập trung dưới chân núi Tản. Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm nên diện mạo các thôn đã khang trang hơn, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hơn và cái Tết cũng đủ đầy hơn…".
Xã Ba Vì có 3 thôn: Hợp Nhất, Hợp Sơn và Yên Sơn, với 2.270 nhân khẩu, trong đó có tới 98% là đồng bào dân tộc Dao. Phần lớn người Dao ở đây làm nghề thu hái và chế biến thuốc Nam. Năm 2019, tổng thu nhập của xã ước đạt 40 tỷ đồng, trong đó giá trị của nghề làm thuốc Nam chiếm hơn 80%...
Theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên, hiện xã không còn hộ đói, chỉ còn 16,4% hộ nghèo, giảm 32% so với năm 2011. Phần lớn các gia đình trong xã có nhà ở kiên cố, có xe máy, điện thoại di động, vô tuyến truyền hình… Đặc biệt, những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Dao được bảo tồn và phát huy khá tốt. Nhiều hủ tục lạc hậu đã được bài trừ. Lễ cấp sắc, Tết Nhảy được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm thời gian và tiền bạc...
2. Đến Ba Vì những ngày tháng Chạp, không chỉ chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của xã miền núi mà còn được đắm mình trong không gian Tết Nhảy vô cùng độc đáo, đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.
Theo ông Lý Văn Phủ, người uy tín của thôn Yên Sơn, Tết Nhảy là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tục thờ cúng của người Dao. Đây là dịp tạ ơn các vị thánh thần, tổ tiên đã giúp đoàn thuyền của 12 dòng họ người Dao vượt qua hoạn nạn trên biển năm xưa để đến vùng đất mới. Và cũng là dịp cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt…
Trước đây, Tết Nhảy thường được làm trong 3 năm liền: Năm thứ nhất làm 1 ngày 1 đêm, năm thứ hai làm 2 ngày 2 đêm và năm thứ ba làm 3 ngày 3 đêm. Thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa mới, hiện nay, người Dao ở Ba Vì chỉ thực hiện Tết Nhảy một lần trong 1 ngày nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo phong tục.
Nét độc đáo trong tục thờ cúng của người Dao ở Ba Vì là, chỉ những gia đình có bàn thờ tổ tiên hoặc đã hoàn thành các bước chuẩn bị lập bàn thờ thì mới được tổ chức Tết Nhảy. Để có bàn thờ tổ, người đàn ông dân tộc Dao phải trải qua lễ cấp sắc (công nhận tuổi trưởng thành), có bộ tranh thờ Tam thanh đã được làm lễ khai quang… Nói cách khác, Tết Nhảy là nghi thức cuối cùng trong việc lập bàn thờ tổ tiên. Và không phải năm nào, gia đình người Dao cũng tổ chức Tết Nhảy, đồng nghĩa, gia chủ chỉ tổ chức Tết Nhảy vào năm đã hứa với tổ tiên. Khoảng cách các lần tổ chức Tết Nhảy của người Dao ở Ba Vì thường từ 15 đến 20 năm…
Năm nay, gia đình ông Triệu Phú Hợp là một trong 4 gia đình ở thôn Hợp Nhất hứa với thần linh, tổ tiên tổ chức Tết Nhảy. Để tổ chức Tết Nhảy, ông Triệu Phú Hợp phải nhờ người giúp đỡ việc nấu cỗ, người bóc giấy bản làm thành tiền lễ, người đẽo dao, kiếm làm đạo cụ phục vụ buổi lễ... Trước đó, gia đình ông đã chuẩn bị đủ nguyên liệu, thực phẩm để làm lễ và thết đãi dân làng. Trước khi tổ chức Tết Nhảy, ông đi nhờ chọn ngày đẹp; sau đó mời họ hàng, làng xóm đến giúp đỡ và dự tiệc chung vui… “Do cần nhiều người phục vụ nên già làng chỉ cho hai gia đình tổ chức Tết Nhảy trùng ngày…”, ông Triệu Phú Hợp cho biết.
Tết Nhảy gồm 3 phần chính: Khai lễ, chính lễ và lễ tiễn đưa. Điều hành các phần lễ có thầy cúng, phụ các thầy cúng là những người đàn ông đã trải qua lễ cấp sắc. Trong phần khai lễ, thầy cúng sẽ lập đàn lễ, bày biện lễ vật, mời các thần linh, gia tiên về dự lễ. Phần chính lễ được xem là quan trọng nhất và có thời gian dài nhất. Phần này sẽ bắt đầu bằng lễ khai đàn và kết thúc bằng lễ chiêu binh. Xuyên suốt phần khai lễ và chính lễ, thầy cúng và những người phụ lễ vừa nhảy múa vừa hát kết hợp với tiếng kèn, chuông, trống, thanh la, não bạt rộn ràng. Nội dung câu hát, điệu nhảy kể lại quá trình vượt biển, tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc giã, muông thú bảo vệ dân làng của các bậc tiền nhân... Những câu hát, điệu nhảy huyền bí làm cho người xem có cảm giác đang sống trong một thế giới khác, thế giới mà quá khứ và hiện tại đang giao hòa…
Trước khi kết thúc phần lễ chính, thầy cúng làm nghi thức mời tổ tiên về chứng giám lòng thành của con cháu. Gia chủ sẽ hứa với các thần linh, tổ tiên sau bao nhiêu năm nữa sẽ lại tổ chức Tết Nhảy…
Phần cuối cùng của Tết Nhảy là lễ tiễn đưa. Sau nghi lễ chiêu binh, mọi người bắt đầu làm cơm cúng thần thánh và tổ tiên. Trước bàn thờ của gia chủ, thầy cúng dâng lên một cái thủ lợn để lễ tạ kết thúc Tết Nhảy. Nội dung chính của bài cúng là tạ ơn các thần linh, thổ địa đã về tiếp nhận và chứng giám lòng thành của gia chủ trong Tết Nhảy. Ngoài cúng tạ ơn, chủ nhà còn dâng lên một con lợn để xin thần linh xá tội nếu trong Tết Nhảy gia chủ có điều gì sơ suất; đồng thời, cầu mong thánh thần, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng tộc, thôn bản sang năm mới được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt...
Sau khi phần lễ kết thúc, chủ nhà mổ lợn, chia thành nhiều phần nhỏ để biếu những người đã giúp đỡ, tham dự Tết Nhảy. Chủ nhà cũng chuẩn bị những mâm cỗ lá để ăn uống, thể hiện lòng hiếu khách, biết ơn những người đã đến chung vui với gia đình trong Tết Nhảy.
Mặc dù Tết Nhảy là nghi lễ do một gia đình, một dòng tộc tổ chức nhưng được cả thôn bản tham gia với không khí náo nức, rộn ràng, giống như nghi lễ của cả cộng đồng. Những câu hát bằng tiếng Dao cổ, điệu nhảy như làm thức dậy vùng núi Ba Vì, khiến đất trời vào xuân trở nên tưng bừng và linh thiêng hơn…
Để giữ gìn, phát huy nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết: “Huyện đang triển khai các bước để xây dựng xã Ba Vì trở thành điểm du lịch văn hóa, lễ hội, sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc Nam của đồng bào dân tộc Dao"… Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người Dao phát triển kinh tế đi đôi với gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống cho vùng đất này…