"Nhật nhật tân, hựu nhật tân”

Chính trị - Ngày đăng : 08:25, 26/01/2020

(HNMCT) - Mùa thu Canh Tuất năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư về Đại La bởi Người nhận thấy vùng đất này “ở vào trung tâm của trời đất, tiện thế núi sau, sông trước”, thuận cho đất nước phát triển đến muôn đời. Khi thuyền cập bến thành Đại La thấy có rồng vàng bay lên, điềm lành ứng với việc hay, Người đổi tên Đại La thành Thăng Long.

Mùa thu năm Ất Dậu 1945, cũng tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước toàn thế giới một nhà nước dân chủ cộng hòa thuộc về nhân dân đã chính thức được thành lập, đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc. Và đến mùa thu năm Canh Tý 2020 này, thành phố Rồng Bay của chúng ta sẽ kỷ niệm tròn 1010 tuổi từ ngày trở thành kinh đô/Thủ đô nước Việt.

Vùng đất địa linh nhân kiệt hơn ngàn năm nay luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị..., là đầu não của đất nước. “Vật đổi sao dời”, triều đại này hưng thịnh, tàn lụi, triều đại khác thay thế và ngay cả khi không được chọn làm thủ đô thì Thăng Long - Hà Nội vẫn là đầu não của đất nước, trước hết vì đây luôn là nơi ấp ủ, gieo mầm cho những tư tưởng mang ý nghĩa khai sáng, dẫn đạo cho đất nước phát triển. Và văn hóa Thăng Long - Hà Nội luôn mang tính chất hội tụ, kết tinh, tỏa sáng tinh hoa các dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại cũng bởi ở điều đó. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội hàng nghìn năm nay vẫn mang ý nghĩa tiên tiến, dẫn đường cho văn hóa dân tộc cũng là vì thế.

Ăn cơm mới, nhớ chuyện cũ, trong ngày đầu xuân nhắc lại chuyện xưa để thấy những mốc son trăm năm, nghìn năm, tuy có ý nghĩa khác nhau đối với lịch sử một đất nước, nhưng luôn mang những dấu ấn đặc biệt; do tạo hóa đặt bày hay hồn thiêng sông núi mách bảo mà những thời khắc lịch sử ấy luôn mở ra cho đất nước những thử thách và vận hội bất ngờ.

1010 năm trước, bằng một quyết định sáng suốt vượt trước thời đại, đức Lý Thái Tổ mở ra một chương mới trong lịch sử Đại Việt. Các nhà sử học khẳng định: Bằng sự kiện này, nhà Lý đã đặt nền móng cho một thời đại mới, thay thế chính sách cai trị bằng quân sự, bằng quản trị đất nước thông qua thể chế, luật pháp và từ văn hóa. Chả thế mà vài thế kỷ sau, nhìn lại thời đã qua của cha ông, Nguyễn Trãi đã tự hào đánh giá “như nước Đại Việt ta thực là một nước văn hiến” không thua gì một quốc gia nào, kể cả nước lớn tự cho mình là “trung tâm của trời đất”. Đây không phải là sự tự tôn thái quá mà là một nhận thức mới về vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp dựng nước. Cốt lõi của văn hóa dựng nước là ở nhân nghĩa, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Từ đó về sau, thời đại nào văn hóa giữ nước đều được các thế hệ cha ông tổng kết thành bài học quan trọng hàng đầu để có thể tồn tại, phát triển.

Đấy là nói những chuyện lịch sử xa. Còn những chuyện gần thì có thể thấy vào thời điểm này của 100 năm trước, một bước chuyển lớn về văn hóa đang diễn ra đặc biệt quyết liệt trong khoảng hai thập niên đầu thế kỷ XX. Như nhiều nhà nghiên cứu xác định, giai đoạn những thập niên đầu thế kỷ XX được gọi là giai đoạn giao thời, đặt Việt Nam trước một cuộc nhận đường mới. Dù mang thân phận của một nước nô lệ nhưng trong giới trí thức Việt Nam đang âm thầm một cuộc vận động dữ dội, một bước chuyển mình thực sự bởi những người thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước hiểu rằng “nâng dân trí, chấn dân khí” là một điểm tựa quan trọng để thay đổi vận mệnh của mình khi chưa thể làm một cuộc cách mạng xã hội giành lại độc lập cho dân tộc. Những phong trào Đông du, Duy tân, học chữ quốc ngữ, Đông kinh Nghĩa thục... lâu nay thường được nhìn nhận từ góc nhìn một phong trào chính trị, xã hội hơn là một phong trào văn hóa. Nhìn từ góc độ chính trị, xã hội thì quan điểm ấy không sai, nhưng nếu chỉ nhìn từ những khía cạnh này sẽ không cắt nghĩa hết được sự đa dạng của các phong trào, không thấy được hết những khát vọng đổi mới của các bậc tiền bối, thông qua những phong trào khai phóng văn hóa mà thức tỉnh tinh thần đổi mới, vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.

Văn hóa vốn bản thân nó đã rộng hơn khái niệm chính trị và trong thực tế, nhiều nhà văn hóa đã đặt khía cạnh chính trị đứng sau những công việc mình làm, hay nói chính xác hơn, điều khiến họ quan tâm số một là vấn đề văn hóa chứ không phải vấn đề chính trị. Cũng không ít những trớ trêu của lịch sử mà mục đích chính trị đặt ra ban đầu nhưng kết quả lại trái ngược với những dự tính, đặc biệt là về văn hóa. Khi Toàn quyền Đông Dương trình về Pháp đề án thành lập Đại học Đông Dương không phải vì mong muốn nâng cao dân trí cho dân bản xứ mà với mục đích ngăn cản thanh niên bản xứ không thể đến nước Pháp, để họ không bị tiêm nhiễm những tư tưởng tự do, dân chủ, tiến bộ ở trung tâm văn minh châu Âu. Ông ta muốn dân bản xứ vẫn cứ mãi trong vòng tăm tối để dễ bề cai trị.

Thực tiễn thật trớ trêu: Những thanh niên ưu tú người bản xứ được học ở trường này, sau khi học xong lại không ngoan ngoãn trở thành công cụ thực thi chế độ thực dân. Lứa thanh niên này sau khi tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ và tri thức tiên tiến của nhân loại đã nhận ra một thực tế khác khiến họ thay đổi; nhiều người đã chọn con đường chống lại nước Pháp và những chính sách thực dân, dành cả đời mình cho những tư tưởng tự do, dân chủ, hành động cho đất nước và nhân dân họ. Họ chấp nhận những gian khổ, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân chứ không vì toan tính riêng tư “Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”. Lứa trí thức ấy sau này trở thành niềm tự hào của đất nước, là những con người làm cho thế giới biết đến một đất nước Việt Nam, tinh thần và giá trị Việt Nam.

Trong khoa học, giáo dục, tư tưởng, văn học, nghệ thuật..., trong vòng hai thập niên ấy Việt Nam đã có những bước tiến thần kỳ mà để có được như vậy, nhiều nước châu Âu phải mất hàng thế kỷ. Những nhà văn hóa ấy, không những không được chính quyền thực dân tạo điều kiện mà còn ngăn cấm, nhưng họ đã chung lưng đấu cật, mở ra một thời đại mới cho đất nước trên tất cả mọi lĩnh vực, để đến hôm nay, chúng ta nhớ đến họ không khỏi bùi ngùi và tự hỏi: Không biết sức mạnh nào đã làm họ thay đổi, biến họ thành những người khổng lồ gánh trên vai những trọng trách lớn như vậy? Họ như những người tiên phong mở đường về một lĩnh vực đầy chông gai không phải “một sớm một chiều” nhìn thấy kết quả nhưng họ quyết làm bởi họ hiểu, những việc họ làm nhân dân và đất nước sẽ được thụ hưởng. Đó là lòng yêu nước, đó là văn hóa gắn với cộng đồng, giống nòi, là sự xả thân cho nghĩa lớn. Không hô to về những hy sinh của mình mà họ lặng lẽ hành động. Và chúng ta, ngày hôm nay nhớ về những năm tháng ấy, vừa biết ơn, vừa thấy mặc cảm so với tiền nhân, khi hiểu ra mình chưa làm được gì đáng kể dù từ nhỏ tới lớn luôn được nuôi dưỡng, nhắc nhở và tạo nhiều điều kiện theo tinh thần phụng sự. Những năm đầu thế kỷ XX thực sự là một cuộc nhận đường lớn và những tư tưởng khai phóng về dân chủ, tự do đã đem lại một sức trỗi dậy chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc.

Năm cuối cùng của thập niên thứ hai của thế kỷ XXI sắp kết thúc. Nhân loại đang bước vào giai đoạn thế giới mở cửa và hội nhập ở mọi tầng bậc. Xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa mở ra cơ hội, vừa tạo ra những áp lực lớn cho bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào. Nhân loại đang tiến như vũ bão, đặc biệt là khoa học. Thời gian không chờ đợi ai. Cơ hội cũng không lặp lại. Bỏ qua cơ hội là đánh mất khả năng phát triển. Con người đang có xu thế trở thành công dân toàn cầu, đó cũng là một thách thức không nhỏ. Chúng ta đã có những gì để bước vào một giai đoạn mới của lịch sử? Cả đất nước lại đứng trước một cuộc chuyển mình. Tự vượt lên mình để nhịp bước cùng nhân loại vừa là thách thức, vừa là sứ mệnh đặt ra trước mỗi người. Trách nhiệm lớn đang đặt lên vai giới trí thức của đất nước, mà Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhất.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, tư tưởng ấy vẫn còn nguyên vẹn tính khoa học và tính thời sự. Không nhìn đâu xa mà cứ nhìn vào hiện tình đất nước sẽ thấy rất rõ chúng ta đang đứng trước những thách thức, những vận hội nào, và đâu là chìa khóa giúp chúng ta bước vào một thế giới mở ra với mọi người nhưng sẽ đóng lại nếu mỗi người cũng như cả đất nước không có sự chuẩn bị để sánh bước cùng nhân loại. Suy cho cùng, mọi sự chuẩn bị đều không thể ngoài văn hóa vì từ tâm thế sẵn sàng cho tới những kỹ năng riêng biệt cụ thể đều không nằm ngoài nhân cách văn hóa của mỗi cá nhân và của một dân tộc. Mà yếu tố mở đường cho điều đó cũng là một nhân tố của văn hóa nhưng nó mang yếu tố khai mở, chuẩn bị cho mọi sự chuẩn bị khác. Đó là tinh thần khai phóng, tự do, dân chủ của một nền văn hóa mở, sẵn sàng đón nhận mọi xu hướng tiên tiến của nhân loại. Điều này vừa giúp cho con người đi tới đồng thời cũng lại là tác nhân quan trọng tăng sức đề kháng với những gì có hại cho sự phát triển.

Mùa xuân, không khí đổi mới lại gợi nhớ đến một lời kêu gọi và cũng là hy vọng của một trong những yếu nhân của đất nước trong mấy thập kỷ đổi mới đầu tiên ở thế kỷ trước: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”.

Phạm Quang