Để mãi có Tết đẹp, Tết vui
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:00, 27/01/2020
Việc đầu tiên mà người ta nghĩ tới trong dịp Tết là nhu cầu làm mới, làm đẹp nơi ăn chốn ở của mình nhằm tạo ra một không gian đón năm mới thật sự có chiều sâu văn hóa hơn những ngày thường. Rồi là những thú vui tao nhã, rủ nhau sắm sửa hoa tươi, những câu đối được viết trên vuông giấy hồng điều, những bức tranh dân gian Đông Hồ hay Hàng Trống được họa theo chủ đề của từng năm.
Cũng là để đón Tết, việc tiếp theo là dựng cây nêu. Đặc biệt là tục gói bánh chưng, bánh tét... được thực hành ở hầu khắp mọi gia đình, không phân biệt giàu nghèo. Trong tâm thức dân gian, một trong những giá trị cơ bản của Tết được người dân nước Việt tôn thờ, nâng niu chính là cách ứng xử hiếu kính của người đang sống đối với người đã khuất. Bởi thế, vào dịp cuối năm, nhà nào cũng dành sự quan tâm cho việc sửa sang mộ phần, từ đường, ban thờ... của dòng tộc, gia đình.
Bao giờ cũng thế, lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của cả một cộng đồng. Điều này được thể hiện qua các hành vi thực hành nghi lễ trang trọng trước ban thờ tổ tiên và các thần linh. Tiếp đến là nghi thức “xông đất”, trao quà mừng tuổi, chúc thọ, chúc phúc và những điều may... Sau thời khắc giao thừa là những ngày đầu năm mới, các gia đình ríu rít bên nhau hành hương tới các điểm đến tâm linh, xin lộc, cầu phúc, cầu tài, hướng về năm mới với biết bao hy vọng tốt đẹp.
Tết là những ngày vui. Chả thế mà có câu cửa miệng “vui như Tết!”. Vui như Tết là bởi lẽ thế này: “Sang xuân đình đám vui như Tết/ Hết đám làng bên lại đám làng...”. Lệ thường, bắt đầu từ ngày mồng ba Tết là lúc mở hội làng, hội bản, ai ai cũng tưng bừng hoan hỉ nghênh đón xuân mới. Thôi thì đủ trò chơi, trò diễn dân gian lý thú và bổ ích, trong đó không thể thiếu trò chơi đu mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng hơn một lần mô tả: “Bốn cột khen ai khéo khéo trồng/ Người thì lên đánh kẻ ngồi trông/ Trai co gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”.
Hành trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những mặt tích cực thu nhận được là tác động không có lợi, ít nhiều đều ảnh hưởng tới văn hóa “ăn Tết”, “chơi Tết”. Sức tác động ngày càng rõ hơn, đòi hỏi Nhà nước và nhân dân cộng đồng trách nhiệm trong việc lo toan bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, giữ lại cho muôn đời sau nét tươi vui mà ấm cúng, linh thiêng mỗi độ Tết đến, xuân về. Sự chung tay đó còn góp phần hình thành nên chất keo gắn kết, củng cố tình thân ái cộng đồng bền chặt hơn tại mỗi một vùng, miền, từ đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trước mỗi một năm mới, triệt tiêu những hủ tục, tệ nạn xã hội để tự tin hơn nữa trong hành trình hướng về tương lai.