Xuyên Tết cấp cứu người bệnh
Xã hội - Ngày đăng : 09:49, 27/01/2020
Đón giao thừa trong phòng mổ
Ngay trong đêm giao thừa, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E tiếp nhận một nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở khu vực quận Cầu Giấy. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, chấn thương sọ não, vỡ xương trán, tụ máu nội sọ… Trước tình hình bệnh nhân hết sức nguy kịch, các bác sĩ quyết định tiến hành mổ ngay lập tức.
Trực tiếp thực hiện ca mổ này, bác sĩ Phạm Văn Bính, Khoa Phẫu thuật thần kinh chia sẻ, với chấn thương tương đối phức tạp, các bác sĩ tiến hành xử trí vết thương, xử lý vùng xương lún sọ não, vùng trán cho bệnh nhân. Sau khoảng 4 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
“Chúng tôi bước ra khỏi phòng mổ, ngước lên nhìn đồng hồ thì đã qua thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới… Nhiều năm đón giao thừa xuyên đêm trong phòng phẫu thuật, chúng tôi không xem rằng đấy là vất vả. Bởi, đó là công việc mình lựa chọn, điều quan trọng là đồng hành cùng bệnh nhân, cứu được họ”, bác sĩ Phạm Văn Bính chia sẻ.
Trong phòng mổ bên cạnh, một nữ bệnh nhân cũng bị tai nạn giao thông đang nằm trên cáng trong tình trạng lơ mơ được các y bác sĩ khẩn trương đưa vào phẫu thuật. Bệnh nhân này gặp tai nạn trên đường đưa hai con về bà ngoại ở huyện Sóc Sơn. Do bị mệt nên trên đường đi, bệnh nhân đã ngủ gật và đâm vào dải phân cách ở khu vực Bắc Thăng Long - Nội Bài. Với tổn thương phức tạp của bệnh nhân: Gãy 1/3 giữa đùi phải, vỡ xương bánh chè, gãy xương bả vai, gãy 1/3 xương đòn..., bệnh viện phải huy động lực lượng y, bác sĩ của 3 khoa: Ngoại chấn thương, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Răng hàm mặt phối hợp thực hiện ca phẫu thuật này.
Bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Ngoại chấn thương, người gắn bó 17 năm với Bệnh viện E, có tới 15 năm không đón giao thừa cùng gia đình, tâm sự: "Cảm giác đêm giao thừa ở bệnh viện rất khác. Khi mọi người quây quần bên gia đình đón năm mới thì chúng tôi lại phải giành giật sự sống cho bệnh nhân. Hạnh phúc nhất là khi cứu được người bệnh thoát khỏi tử thần. Chính điều đó khiến tôi và những đồng nghiệp luôn cố gắng nỗ lực làm việc bất kể ngày lễ, Tết... Và năm nào cũng vậy, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là năm tới bác sĩ “nhàn” hơn, ít bệnh nhân hơn".
Dù đang kỳ nghỉ Tết, không khí làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vẫn rất khẩn trương. Để kịp thời cứu chữa người bệnh, bệnh viện đã huy động mỗi ngày gần 300 cán bộ y tế tham gia trực xuyên Tết.
Đưa con trai bị tai nạn giao thông vào cấp cứu tại bệnh viện, ông Hoàng Bình (ở tỉnh Thanh Hoá) chia sẻ, các bác sĩ ở đây làm việc không ngừng, tận tâm, tận lực cứu chữa bệnh nhân. "Khi đưa con trai vào cấp cứu ngày mùng 2 Tết, tôi rất lo. Thế nhưng, khi vào đến đây, thấy con được cứu chữa kịp thời, tôi thực sự yên tâm", ông Bình nói.
Từ 28 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến sáng mùng 3 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã tiếp nhận gần 300 vụ tai nạn giao thông, trong đó số ca tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm gần 50% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, tất cả trường hợp bị tai nạn giao thông khi vào cấp cứu tại bệnh viện đều được thử máu để xác định có nồng độ cồn trong máu hay không.
Thạc sĩ Phạm Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, sau khi triển khai Nghị định 100, số ca tai nạn giao thông nặng, chấn thương sọ não nhập viện liên quan đến rượu, bia giảm mạnh.
"Chúng tôi mong muốn, người dân thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông, đã uống rượu bia thì không lái xe để giữ gìn cho chính mình và cũng chính là giúp cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế", ông Pham Gia Anh nói.
Tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - nơi luôn được coi là “đầu sóng ngọn gió” trong bệnh viện, trong ngày mùng 2 Tết, Khoa tiếp nhận rất nhiều ca cấp cứu được chuyển từ các tuyến đến.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, trước Tết khoảng một tháng, khoa đã xây dựng phương án thường trực, dự trữ đủ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, cấp cứu điều trị người bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Tại Khoa Cấp cứu, mỗi tua trực được bố trí 5 bác sĩ, 11 điều dưỡng chính và 11 sinh viên điều dưỡng. Trong trường hợp cần hỗ trợ thêm nguồn lực, khoa sẽ được điều phối thêm nhân viên y tế.
Gần khu vực Khoa Cấp cứu, Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) hiện có tới hơn 200 người bệnh nội trú. Tuy nhiên, con số đó chưa dừng lại khi trung bình mỗi ngày lại có thêm khoảng 20 bệnh nhân nhập viện. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam chia sẻ: "Tết Nguyên đán năm nào chúng tôi cũng xác định ăn Tết cùng người bệnh, với phương châm sức khỏe, niềm vui của người bệnh là món quà vô giá đối với những người thầy thuốc…".
Không nghỉ Tết để ứng phó với vi rút lạ
Không chỉ căng mình cấp cứu người bệnh, nhiều nhân viên y tế không nghỉ Tết để ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút mới corona (nCoV) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.
Tại sân bay quốc tế Nội Bài, các bảng biểu, băng rôn khuyến cáo về dịch bệnh này bằng 3 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc) được đặt tại các khu vực hành khách dễ nhận thấy nhất. Tại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 115-120 chuyến bay quốc tế nhập cảnh. Riêng các chuyến bay từ Trung Quốc dao động từ 10-13 chuyến, có những ngày cao điểm lên đến 15-16 chuyến.
Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, công tác kiểm dịch tại cửa khẩu là công tác đầu tiên trong quy trình phòng, chống dịch bệnh. Do đó, ngay kể cả những ngày nghỉ Tết, trung tâm vẫn phải tăng cường nhân lực phòng, chống dịch bệnh, trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h. Tại đây, mỗi ca trực kéo dài 10 tiếng, có 8 nhân viên, bắt đầu từ 5-15h; ca tiếp theo từ 15h cho đến khi hết chuyến bay.
“Ngày Tết, ai cũng muốn được quây quần, đoàn tụ bên gia đình, nhưng đây lại là thời điểm chúng tôi bận nhất. Nếu không căng người ra trực kiểm dịch, nếu chủ quan, lơ là, các ca bệnh xâm nhập không kiểm soát được thì hậu quả sẽ khôn lường”, bác sĩ Nguyễn Hải Nam cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đào Hữu Thân, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 65 đội chống dịch cơ động, trong đó tuyến thành phố có 5 đội, mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng triển khai xử lý ca bệnh khi có yêu cầu. Các đội chống dịch cơ động đều được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, được đào tạo và tập huấn ứng phó với dịch bệnh.
"Trước tình hình dịch bệnh nCoV đang diễn biến ngày càng phức tạp tại Trung Quốc, năm nay, cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh coi như không có Tết. Chúng tôi phải tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân", ông Thân nói.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho hay, những ngày đầu năm mới 2020, trên địa bàn Hà Nội chưa ghi nhận ca viêm đường hô hấp cấp do vi rút mới corona cũng như không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh được triển khai nghiêm túc, bảo đảm theo quy định…
“Trong những ngày nghỉ Tết tiếp theo, tất cả bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trực, không để rơi vào tình thế bị động trước mọi tình huống phát sinh, bảo đảm cho nhân dân đón Tết an vui", ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết.