Khúc vọng Đà giang...
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:01, 28/01/2020
1. Từ nhà ông Nguyễn Văn Ước (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) đi bộ chừng nửa giờ là đến núi Chẹ. Hơn nửa thế kỷ trước, núi Chẹ khổng lồ còn đẹp như một bức tranh thủy mặc và là “thủ phủ” của các loài chim, nhiều nhất là chim sáo đá. Chiều chiều, từng đàn sáo bay về tổ cheo leo trên những hang, hốc đá; quanh chân núi là khỉ, dê nhiều vô kể, cảnh tượng chỉ nhìn thôi đã thấy mê. Rồi theo năm tháng, con đường đến với huyền thoại lại là con đường dẫn đến tình duyên của chàng trai người dân tộc Mường Hòa Bình. Từ ngày làm rể làng Đồng Sống (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội) ông Ước càng hiểu hơn về vùng quê trung tâm của truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, tưởng chỉ có thể biết qua sử sách...
Hòn Chẹ nằm dưới chân núi Ba Vì, “chềnh ềnh” giữa một vùng non nước hữu tình, nơi “một con gà gáy ba tỉnh đều nghe” - phía tây là xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn, Hòa Bình), phía đông là xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội), còn phía bắc - bên kia sông Đà là tỉnh Phú Thọ. Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh kể lại, vì cuộc đánh ghen lịch sử để tranh giành công chúa con vua Hùng mà hằng năm Thủy Tinh dâng nước gây lũ lụt. Để chống lại thiên tai khắc nghiệt, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, Sơn Tinh đã gánh đá đắp thành núi Ba Vì - “núi Tổ của trời Nam”. Trong cuộc giao tranh quyết liệt, Sơn Tinh đứng trên núi Ba Vì bốc đá ném xuống dòng sông Đà để diệt thủy quái, chặn dòng nước dữ.
Núi Chẹ khổng lồ có từ đó với hai ngọn sừng sững vươn ra giữa sông Đà, trở thành một kiệt tác của tạo hóa. Trong lòng núi có nhiều hang đá, từng làm xưởng công binh cung cấp vũ khí cho quân đội ta thời kháng chiến chống Pháp. Trong lòng núi còn có những phiến đá bằng phẳng, người dân xây miếu thờ Thánh Tản để cầu bình an, bởi đây là khúc sông Đà chảy xiết nhất, hiểm nguy nhất. Nước sông từ thượng nguồn đổ xuống, bị núi Chẹ chặn lại, chồm lên thành sóng, dữ dằn, nguy hiểm cho thuyền bè qua lại. Vì thế dân gian có câu nhắc nhở: "Muốn vượt sông Đà chớ qua ghềnh Bợ” (ghềnh Bợ thuộc xã Khánh Thượng), mỗi lần qua đây người ta phải ngả mũ, khấn vái cầu mong xuôi chèo mát mái...
2. Cho đến hôm nay, quanh chân núi Ba Vì và cả vùng Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất của xứ Đoài vẫn còn dấu tích của những trận giao chiến khốc liệt thuở hồng hoang gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Có thể mường tượng ra Sơn Tinh quảy núi ngăn sông, cắm chông trà ở bãi Đá Chông (xã Ba Trại), thả rào chăng lưới ở vùng suối Cái (xã Minh Quang), cho quân gieo hạt thành rừng U Bò (xã Tản Lĩnh), lao gỗ đá từ trên núi xuống khiến đội quân thủy thần phải tháo chạy thành 16 ngả ở vùng đầm Đượng (nay thuộc xã Thụy An - Ba Vì và Xuân Sơn - thị xã Sơn Tây)... Sự tích đồi Mòm, gò Choi (Tòng Lệnh), hòn Chẹ, dãy núi Chèm phía tây sông Đà, hay đồi Máng Sòng, đồi Giếng phía đông núi Ba Vì... cũng là những chiến tích của Sơn Tinh, ngày đêm gánh đất, lập phòng tuyến chống Thủy Tinh. Dân gian đã lý giải tên gọi bằng những câu chuyện vừa mơ hồ, vừa hiện thực, đậm chất sử thi đó là để bày tỏ sự tôn kính đối với Sơn Tinh - người khai sáng văn minh, người anh hùng trị thủy, được dân gian tôn là Đức Thánh Tản Viên - vị thần núi Tản đứng đầu trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng người Việt...
Còn nữa, sự tích về suối Di, sông Tích, ngòi Tôm, đầm Mom, đầm Mít, đầm Sui, xóm Rùa, xóm Cá Sấu... liên quan đến cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh đã chứng minh tổ tiên ta từng bao phen trị thủy, mở mang bờ cõi, khai phá văn minh từ hạ lưu sông Đà, sông Tích, để tạo nên một mảnh đất “địa linh nhân kiệt” với cả một kho tàng thần thoại, truyền thuyết phong phú, giá trị, trường tồn...
Kể từ khi có Thủy điện sông Đà thì khúc sông ở khu vực đá Chẹ và vùng hạ lưu hiền hòa hơn. Nhưng cùng với đó, ngọn núi linh thiêng ngày càng bị biến dạng, bị xâu xé, nham nhở. Sau bao nhiêu năm bị tàn phá, giờ núi Chẹ - hay "núi ông Đùng", trong tâm thức người Mường vùng Ba Vì không còn kỳ vĩ, lãng mạn nữa. Chim chóc không còn chốn bay về, vượn khỉ càng vắng bóng, tôm cá dưới sông cũng chẳng còn. Ý định công nhận mỏm Hàm Rồng của núi Chẹ là di tích thắng cảnh của các cấp chính quyền, dường như cũng đã bị quên lãng theo thời gian...
Ông Nguyễn Văn Ước kể: “Mỗi lần đi qua, chứng kiến cảnh người ta xẻ núi ầm ầm làm kinh thiên động địa, thấy xót xa lắm”. Sau bao nhiêu cái chết thương tâm do nổ mìn phá núi và gần nhất là vụ sập đá cách đây chừng 7 năm lấy đi mạng sống của một thanh niên (người xấu số chính là em họ ông Ước), thì Thành phố Hà Nội đã nghiêm cấm triệt để hoạt động khai thác đá ở phía đông núi Chẹ (thuộc huyện Ba Vì). Nhưng ở phía tây của núi (thuộc địa phận huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) thì sự xâm hại vẫn diễn ra. Dù chỉ là nhỏ lẻ, nhưng nghĩa là núi Chẹ ngày ngày vẫn đau, vẫn rỉ máu! Vẻ đẹp của núi Chẹ chỉ còn trong hình dung của người cao tuổi ở quanh vùng và trong những tấm hình lưu niệm...
3. Ở mảnh đất địa linh, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, du lịch là một thế mạnh của vùng quê ven Đà giang. Song, thế mạnh đó bao năm qua chưa thực sự được phát huy. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, được sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ Trung ương và Thành phố Hà Nội, không riêng xã Khánh Thượng mà các xã miền núi huyện Ba Vì đều đổi mới về diện mạo, đường bê tông hóa nối dài đến từng ngõ xóm. Tiếng cồng chiêng vang lên trong những hoạt động văn hóa thể thao khiến cho miền quê nhuốm màu huyền thoại mang sức sống mới.
Đòn bẩy để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi của thành phố chính là nhiều chính sách quan trọng đã và đang được triển khai, như Nghị quyết số 06 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 166/KH-UBND, và Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số Ba Vì giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Gần 200 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng kinh phí trên 2.685 tỷ đồng được huyện Ba Vì triển khai thực hiện trong 5 năm trở lại đây đã tạo sự bứt phá ấn tượng cho vùng đồng bào dân tộc huyện Ba Vì. Cùng với đó, những giá trị văn hóa phi vật thể đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, dân tộc Dao được khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng, từ khi dồn điền đổi thửa, những vạt đồi, sườn núi trước kia trồng cây keo đã được thay thế bằng vườn cây ăn quả. Cam Cao Phong, bưởi Diễn xanh tốt, trĩu trịt. Những khoảnh ruộng ở trong đồng bạt ngàn cây dong riềng làm miến, bãi sông ngút ngàn màu xanh của ngô, của chuối, đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Không những thế, Khánh Thượng còn tìm thêm nghề cho nông dân như trồng nấm rơm, trồng cây dược liệu, đào tạo các nghề phù hợp với điều kiện địa phương để tận dụng sức lao động lúc nông nhàn.
Thực sự, sức sống mới đang đến trên quê hương huyền thoại. Và có lẽ đó là điều khiến mọi người tạm không nghĩ đến một hòn Chẹ nghìn đời lặng lẽ, rủ bóng xuống Đà giang...