Lộc hoa tre được phát tận tay người tham gia lễ hội Gióng
Văn hóa - Ngày đăng : 11:29, 30/01/2020
Khoảng 7 giờ sáng, các lễ vật như: Hoa tre, trầu cau, voi, ngựa, ngà voi… của các thôn trên địa bàn huyện Sóc Sơn được đưa vào khuôn viên đền Sóc để dâng lên đức Thánh.
Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi về trời, nên mùng 6 tháng Giêng hằng năm, dân làng mở hội linh đình tại khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương.
Nghi lễ quan trọng nhất là phần dâng hoa tre, dâng trầu cau… lên đền thờ Thánh Gióng. Sau khi rước hoa tre và trầu cau lên đền Thượng, hai lễ vật sẽ được rước xuống đền Hạ và đền Mẫu. Từ năm 2018, để tránh tình trạng xô đẩy, tranh lộc phản cảm, lễ hội đã bỏ nghi lễ tất lộc.
Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu di tích đền Sóc cho biết: “Năm nay, ban tổ chức lễ hội chuẩn bị đủ lộc hoa tre để phát đến tận tay người dân và du khách tham gia lễ hội có nhu cầu. Việc phát lộc hoa tre được người dân và du khách thập phương ủng hộ, đánh giá cao, góp phần tạo sự văn minh cho lễ hội”.
Theo ông Nho, năm nay, ban tổ chức lễ hội vẫn duy trì các trò chơi như: Vật, cờ tướng, bóng chuyền…. để người dân và du khách vừa dự lễ, vừa vui hội.
Nổi bật trong lễ hội là màn rước kiệu Tướng bà của thôn Yên Tàng. Đoàn rước kiệu Tướng bà có đầy đủ các thành phần gồm: Các cụ cao tuổi, cán bộ đoàn thể trong thôn và 12 thanh niên trên 18 tuổi khiêng kiệu.
Theo phong tục của địa phương, người được chọn làm Tướng bà phải có Tứ đại đồng đường song toàn, gia đình gia giáo, gương mặt ưa nhìn, học giỏi…
Theo quan niệm của người dân Sóc Sơn, gia đình nào có con cháu được chọn làm Tướng bà là niềm vinh hạnh của cả dòng tộc. Trước khi diễn ra lễ hội, những người được lựa chọn làm Tướng bà được học và làm quen với các nghi thức đi đứng, chào hỏi cũng như một số nguyên tắc của lễ rước.
Sau khi hoàn thành phần lễ khai hội Gióng, người dân và du khách bắt đầu tiến vào làm lễ tại đền Thượng, Hạ, Mẫu.
Làm lễ xong, những người có nhu cầu sẽ được ban tổ chức lễ hội phát lộc hoa tre để lấy may đầu năm.
Ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi sau khi nhận lộc hoa tre từ ban tổ chức lễ hội.
Ông Hoàng Văn Long (huyện Sóc Sơn) chia sẻ: “Tôi ủng hộ cách phát lộc hoa tre văn minh như năm nay của Ban tổ chức, để mọi người tham gia lễ hội đầu năm đều có lộc mang về. Sự thay đổi này đã góp phần tạo nét văn minh cho lễ hội”.
Dòng người không ngừng đổ về đền Sóc để làm lễ. Dự kiến, năm nay, lễ hội sẽ đón khoảng hơn 2,5 vạn khách.