Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp: Bảo vệ thị trường xuất, nhập khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 08:07, 30/01/2020
Diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc (từ giữa năm 2018 đến nay), số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến. Trong đó, 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ... Tổng cục Hải quan đã lập danh sách 24 doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để kiểm tra.
Điển hình là Công ty TNHH xe đạp Excel (tỉnh Bình Dương), 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc, thành lập năm 2018, chuyên lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu. Qua kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện... từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh. Một số lô xe đạp được doanh nghiệp này lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi (vì xe đạp Trung Quốc phải chịu thuế 75% khi xuất vào Hoa Kỳ, còn với xuất xứ Việt Nam, thuế nhập khẩu xe đạp vào Hoa Kỳ chỉ 5-10%). Với việc gian lận xuất xứ, doanh nghiệp này đã trốn được số tiền thuế rất lớn.
Nhận định về thực trạng này, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Tiến Lộc cho biết, nhiều doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc có vốn Trung Quốc đã nhập khẩu linh kiện, lắp ráp đơn giản thành hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Hoa Kỳ để hưởng ưu đãi thuế. Họ thường sử dụng các thủ đoạn như nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại nước ngoài, khi làm thủ tục hải quan đã được ghi sẵn "Made in Vietnam", hoặc hàng hóa nhập khẩu lợi dụng văn bản pháp luật sau đó dán nhãn "Made in Vietnam" rồi tiêu thụ nội địa, hay lợi dụng loại hình quá cảnh, nhưng không xuất khẩu sang nước thứ 3 mà quay trở lại Việt Nam... Vì vậy, năm 2020, Tổng cục Hải quan sẽ mở rộng kiểm tra, điều tra đối với một số nhóm hàng có nguy cơ cao trong việc gian lận, giả mạo xuất xứ.
Siết chặt kiểm tra
Với chủ trương kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, gần đây nhất, ngày 31-12-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, thực hiện nghị quyết trên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt đủ sức răn đe; khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa lưu thông trong nước. Bộ tiếp tục theo dõi, thống kê, cập nhật thường xuyên và kịp thời cung cấp danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố để tăng cường kiểm soát, đặc biệt đối với việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)...
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ khâu thông quan, tập trung lực lượng kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất chân chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…; triển khai chiến dịch cao điểm đến hết năm 2020. Đặc biệt, với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng đột biến, hàng hóa nhập khẩu có thuế suất cao, kim ngạch nhập khẩu lớn và những mặt hàng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần kiểm tra kỹ và xử lý nghiêm các vi phạm...
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Chí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ODMG Việt Nam (74 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, các doanh nghiệp không nên vì lợi nhuận trước mắt mà gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; đồng thời nên tích cực tham gia phòng, chống tình trạng này nhằm tạo thị trường cạnh tranh công bằng...
Với sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, chắc chắn việc gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp sẽ được kiểm soát tốt hơn, góp phần bảo vệ thị trường, nâng cao uy tín của Việt Nam trong xuất nhập khẩu trong năm 2020 này.