Tạo bình đẳng trên thị trường truyền hình trả tiền

Xe++ - Ngày đăng : 07:08, 31/01/2020

(HNM) - Truyền hình trả tiền được đánh giá là có tiềm năng phát triển khá lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù thuê bao tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu rất chậm. Để giải bài toán này, bên cạnh việc triển khai các giải pháp đột phá của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ còn phụ thuộc rất lớn vào hành lang pháp lý để tạo sự bình đẳng trên thị trường.

Phát triển truyền hình trả tiền cần các giải pháp đột phá của doanh nghiệp và hành lang pháp lý để tạo sự bình đẳng trên thị trường.

Số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, năm 2019, tổng doanh thu truyền hình trả tiền đạt khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2018 (đạt 8.000 tỷ đồng); đạt 16,5 triệu thuê bao (năm 2018 là 15,3 triệu thuê bao), tăng 7,7%. Các chỉ số về thuê bao, doanh thu trên dù đều tăng nhưng chậm, đặc biệt doanh thu tăng rất chậm.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phân tích, các mạng xã hội và các phương thức truyền thông đa phương tiện, thiết bị thông minh, xu hướng số hóa tiếp tục phát triển mạnh khiến các đơn vị gặp khó khăn trong duy trì khán giả. Nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo sụt giảm do sự cạnh tranh từ các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là hai nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới YouTube (Google) và Facebook. Thêm nữa, do các "nhà đài" trong nước cạnh tranh quyết liệt khiến giá mặt bằng truyền hình trả tiền thấp, doanh thu trên thuê bao khoảng 40.000 đồng/tháng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Trong khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài chưa được quản lý bằng quy định cụ thể (cấp phép, đóng phí, thuế, biên tập nội dung...) khiến môi trường kinh doanh không bình đẳng.

Theo bà Hoàng Thị Bích Hà, Phó trưởng ban Chiến lược sản phẩm của Tổng công ty Truyền thông VNPT Media, tuy số lượng thuê bao truyền hình trả tiền hiện nay có tăng, nhưng không ít là "ảo" do thuê bao liên tục dời mạng hưởng khuyến mãi. Trong khi đó, một dịch vụ mới là truyền hình qua mạng internet (truyền hình OTT) tuy có tăng trưởng mạnh về thuê bao (tới 50%) và là dịch vụ sẽ phát triển tất yếu, song có phải là "cứu cánh" cho truyền hình truyền thống hay không thì chưa thể, ít nhất trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam.

Vì vậy, kiến nghị về giải pháp thúc đẩy phát triển truyền hình trả tiền, ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp truyền hình OTT thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định. Các nội dung trước khi cung cấp phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt theo quy định, giống như các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước. "Nếu chưa tuân thủ quy định về thủ tục, điều kiện cấp phép thì không cho tham gia cung cấp dịch vụ OTT vào thị trường Việt Nam", ông Lê Đình Cường nhấn mạnh.

Nói về giải pháp để phát triển truyền hình trả tiền, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (ngày 18-1-2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình) trong năm 2020. Đây là hành lang pháp lý hoàn chỉnh, quản lý được các dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình xuyên biên giới, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc huy động nguồn lực xã hội tham gia hoạt động sản xuất chương trình; thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền phát triển, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Việt Nga