Thêm màu xanh cho Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 08:38, 31/01/2020
Bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô
Năm 1960, Bác Hồ phát động Tết trồng cây Xuân Canh Tý ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Trải qua 60 năm, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn giữ nét đẹp truyền thống này nhằm giáo dục con cháu hiểu thêm giá trị của cây xanh.
Sáng 30-1 (tức mùng 6 tháng Giêng) tại tuyến đường liên xã của xã Thạch Xá, cán bộ và nhân dân huyện Thạch Thất tổ chức phát động Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020 nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân trong phong trào trồng cây, trồng rừng, tăng độ che phủ đất trống, tạo bóng mát và cảnh quan môi trường sinh thái, xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp…
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng phấn khởi cho biết, hưởng ứng Tết trồng cây năm 2019, toàn huyện đã trồng hơn 11 nghìn cây xanh các loại, đạt 115,3% kế hoạch thành phố giao; trồng bổ sung 29,3ha rừng sản xuất, duy trì chăm sóc 2.093ha rừng hiện có; chăm sóc hơn 791ha cây ăn quả các loại.
Để lan tỏa phong trào này trở thành truyền thống tốt đẹp, các địa phương tích cực tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc trồng cây xanh, bảo vệ “lá phổi xanh” để môi trường Thủ đô ngày càng trong lành. Tham gia trồng cây sáng 30-1 tại địa bàn, ông Chử Văn Xoang ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) hào hứng chia sẻ: “Mặc dù tuổi cao, nhưng còn sức khỏe, nên cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tôi lại cùng lãnh đạo xã tham gia trồng cây, mang lại màu xanh cho quê hương, để sau này con cháu được sống trong bầu không khí trong lành”...
Rời các huyện: Thanh Trì, Thạch Thất, chúng tôi hòa mình với không khí Tết trồng cây ở huyện Chương Mỹ. Tại Trường Tiểu học Xuân Mai A, em Hoàng Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 5A, bày tỏ: "Chúng em hứa sẽ tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường để “mẹ thiên nhiên” không “nổi giận”, giữ gìn màu xanh cho đất nước và “ngôi nhà chung” trái đất"!
Chăm sóc kết hợp bảo vệ cây
Để Tết trồng cây trở nên thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức... các quận, huyện, thị xã đều tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tập trung trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa. Ngay tại lễ phát động ngày 30-1, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng khẳng định: Trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc... tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của huyện trong năm 2020. Các cơ quan, đơn vị, trường học, mỗi gia đình trên địa bàn sẽ phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu trồng 30.000 cây xanh các loại trở lên trong năm nay.
Đi đôi với việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ vận động nhân dân tự giác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường tại các khu dân cư, nơi công cộng để Chương Mỹ ngày càng xanh - sạch - đẹp, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô…
Hòa chung không khí sôi nổi của Tết trồng cây trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến nêu quyết tâm: Để Tết trồng cây 2020 đạt hiệu quả cao, UBND huyện Quốc Oai giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện là cơ quan đầu mối cung cấp cây xanh, cây hoa giống, cột chống phục vụ việc trồng cây và rừng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2021 và định hướng đến năm 2025; giao cán bộ, nhân dân các xã trực tiếp chăm sóc và bảo vệ cây xanh khi trồng với mục tiêu cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhận thức rõ phong trào Tết trồng cây chỉ thật sự phát huy ý nghĩa tích cực nếu "trồng cây nào, sống cây đó". Bởi vậy, song hành với tổ chức lễ phát động, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, các địa phương cần tích cực vận động nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có tình yêu, trách nhiệm với cây xanh; cần hiểu rõ việc trồng, chăm sóc cây xanh là nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường khuyến khích người dân tự trồng và chăm sóc cây xanh tại gia đình, vừa làm đẹp ngôi nhà, vừa góp phần phủ xanh thành phố, cải thiện môi trường… Qua mỗi năm thực hiện Tết trồng cây, từng người dân thêm cảm nhận sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Việc trồng cây gây rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, không chỉ mang lại môi trường xanh mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật, nâng cao độ che phủ của rừng Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Sau mỗi Tết trồng cây, cả thành phố có thêm hàng trăm nghìn cây xanh được trồng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Năm 2020, Hà Nội phấn đấu trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; 200.000 cây ăn quả; 70ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng. Trong đó, riêng đợt ra quân đầu Xuân Canh Tý 2020, toàn thành phố trồng 100.000 -120.000 cây xanh các loại nhằm mục tiêu nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng của thành phố Hà Nội.