Giải bài toán thiếu hụt lao động có tay nghề

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 01/02/2020

(HNM) - Thị trường lao động Việt Nam đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng giảm dần sử dụng lao động giản đơn, giá rẻ sang sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao. Thế nhưng, hiện lực lượng lao động đang làm việc chưa qua đào tạo nghề, thiếu kỹ năng ở nước ta vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để giải bài toán này.

Thị trường lao động hiện rất cần nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ cao. Trong ảnh: Hướng dẫn sinh viên thực tập tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Thiếu lao động có kỹ năng

Chị Dương Thị Hường, công nhân Phân xưởng Công nghệ cao, Công ty cổ phần Nhựa cao cấp Hàng Không, phường Bồ Đề (quận Long Biên) cho biết, khi mới đi làm, chị chưa chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng nghề, nên năng suất lao động thấp. Qua thời gian, chị dần nhận ra, muốn tăng thu nhập, nâng cao mức sống, trước hết cần phải chủ động học tập, nâng cao tay nghề, trau dồi các kỹ năng mềm. Bền bỉ rèn luyện, sau hơn 11 năm, chị Hường trở thành công nhân kỹ thuật vận hành máy nhựa bậc 10/10. “Vững tay nghề, đồng nghĩa với việc người lao động tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, có thu nhập tốt hơn”, chị Dương Thị Hường nhấn mạnh.

Chung nhận định, anh Nguyễn Văn Quyết, thợ lắp đặt điện nước, ở phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, những lao động có tay nghề vững, dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng rất dễ tìm được việc làm. Ngay như anh, nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ khi đang là sinh viên nên sau khi tốt nghiệp, thử việc trong một thời gian ngắn, anh đã trở thành nhân viên chính thức của Công ty cổ phần Thương mại và Kỹ thuật Việt - Sing... Đặc biệt, anh luôn hăng hái tham gia các lớp huấn luyện nâng cao tay nghề, dần dần được lãnh đạo công ty tín nhiệm, giao tham gia vào toàn bộ các hạng mục quy trình sản xuất... Giống như anh Quyết, nhiều sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt thành tích cao trong học tập, trong các kỳ thi tay nghề đã được nhiều doanh nghiệp mời về làm việc.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy vai trò quan trọng của kỹ năng lao động đối với bản thân mỗi người. Thế nhưng, hiện tình trạng thiếu lao động có kỹ năng còn tồn tại ở đa số ngành, nghề, lĩnh vực. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất dịch vụ Hòa Bình, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) phản ánh: “Doanh nghiệp cần những người giỏi nghề, có kỹ năng mềm cũng như giỏi kỹ năng nghề nghiệp nhưng việc tuyển dụng được không hề dễ dàng, do nguồn nhân lực này đang rất thiếu. Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ tuyển được 30% lao động giỏi kỹ năng nghề so với nhu cầu".

Tại các làng nghề truyền thống, việc thiếu lao động tay nghề cao đang là bài toán không dễ tìm lời giải. “Đa số các hộ sản xuất tại các làng nghề chỉ làm theo mẫu có sẵn, không sáng tạo ra mẫu mới, khiến không ít sản phẩm thiếu sức cạnh tranh”, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang, làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) chia sẻ.

Nhìn rộng hơn, thị trường lao động đang “khát” nhân lực có kỹ năng. Hiện trong tổng số hơn 54 triệu lao động trong cả nước, mới có 24% lao động đang làm việc qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Tại Hà Nội, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chưa đạt 30% tổng số lao động đang làm việc. Điều này vừa ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, vừa giảm sức cạnh tranh của thị trường lao động. Bằng chứng là cả nước có hơn 90.000 lao động là người nước ngoài đang làm việc tại thị trường Việt Nam, ở những vị trí, công việc đòi hỏi người lao động phải giỏi nhiều kỹ năng, trong khi nước ta vẫn còn hơn 1 triệu người đang thất nghiệp.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Nghiên cứu về kỹ năng của người lao động, bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group Việt Nam (đơn vị vận hành trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks) và Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search nêu rõ, kể cả một bộ phận lao động đã qua đào tạo cũng còn thiếu những kỹ năng cần thiết, nhất là những kỹ năng mềm (khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, tương tác xã hội…). Kiến thức, kỹ năng chuyên môn, người lao động có thể được đào tạo từ nhà trường, doanh nghiệp, làng nghề…, nhưng với kỹ năng mềm, để “sở hữu” nó, không có cách nào tốt hơn là người lao động phải chủ động hoàn thiện.

Cũng theo bà Phạm Thị Hoài Linh, muốn cải thiện kỹ năng cho người lao động, thì gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và bản thân người lao động cần phối hợp, cộng đồng trách nhiệm. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nên tích hợp đào tạo chuyên môn với đào tạo kỹ năng mềm trong chương trình giảng dạy chính khóa và ngoại khóa. Các cơ quan chức năng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào công tác đào tạo nghề.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, trong năm 2020, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 08/KH-UBND, ngày 9-1-2020 của UBND thành phố về giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, các đơn vị, địa phương sẽ tập trung tuyển sinh, đào tạo các nghề chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường; phát triển mô hình doanh nghiệp trong nhà trường, nhà trường trong doanh nghiệp... Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn thành phố đào tạo nghề cho 210.000 lượt người, giải quyết việc làm cho ít nhất 156.000 lao động.

"Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư đáng kể cho các cơ sở đào tạo nghề và các cơ sở cũng chủ động liên kết với doanh nghiệp để đào tạo lao động có kỹ năng, tay nghề cao theo yêu cầu của thị trường”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn thông tin.

Còn theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Tổng cục đang xây dựng danh mục ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc qua đào tạo nghề mới được tuyển dụng, trình các cơ quan chức năng xem xét, ban hành. Đây được coi là giải pháp quan trọng để chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Với những giải pháp nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta sẽ từng bước được cải thiện, nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Minh Ngọc