Bài 14: Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:41, 01/02/2020

(HNM) - Trong các nội dung công tác xây dựng Đảng, nếu như xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng có giá trị to lớn mang tính dẫn hướng, mở đường, thì xây dựng Đảng về tổ chức chính là nhằm hiện thực hóa mục tiêu dẫn đường đó. Nhân dân đi theo Đảng là vì niềm tin sắt son vào đường lối, chủ trương, mục đích của Đảng cũng như vào tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Để thực hiện đòi hỏi khách quan này, Đảng phải tiêu biểu sự thống nhất cao của mọi suy nghĩ, hành động và tính kỷ luật.

1. Ngay từ trước khi Đảng ta ra đời trong tác phẩm Đường kách mệnh xuất bản năm 1927, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) viết: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”. Tại đây, trong 14 yêu cầu đối với một người cách mạng, Người cũng nhấn mạnh - đối với mình thì “phải giữ chủ nghĩa cho vững”; và khi làm việc thì cần “phục tùng đoàn thể”. Tại bản Điều lệ đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn năm 1929 và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930 quy định rõ “Trách nhiệm của các đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng”.

Như vậy có thể thấy, ngay từ khi Đảng ta chưa giành quyền lãnh đạo đất nước, vấn đề giữ vững chính trị tư tưởng và kỷ luật tổ chức được Đảng đặt ra có tính nguyên tắc hàng đầu trong xây dựng Đảng.

Sau khi lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời lở đất, Đảng Cộng sản Đông Dương khi đó trở thành Đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước và toàn xã hội. Bên cạnh những thuận lợi là những thách thức mới, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng phải có những bước chuyển mới. Ngày 17-9-1945, chỉ ít ngày sau khi nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai cấp trong nước”.

Sự “đụng chạm đến quyền lợi riêng” mà Bác nêu ra chính là những tác động tiêu cực của quyền lực tới tổ chức Đảng khi Đảng từ chỗ hoạt động bí mật, không được quyền phân phối lợi ích vật chất, nay trở thành Đảng cầm quyền và toàn quyền quyết định phân chia lợi ích trong xã hội. Lường trước và thấy rõ những vấn đề sẽ nảy sinh trong Đảng cũng như bộ máy chính quyền trước sự thay đổi to lớn ấy, trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo, tiêu biểu là tác phẩm “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (Báo Cứu quốc ngày 17-10-1945). Tại đây, Người đã nêu ra 6 “lỗi lầm lớn” của nhiều “quan cách mạng” lúc đó và cảnh tỉnh: “Ai không phạm những lỗi lầm trên thì nên tránh xa và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lỗi lầm trên thì gắng sức sửa chữa, nếu không thì Chính phủ sẽ không khoan hồng”.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc xuất bản tháng 10-1947, sau khi nêu rõ đạo đức cách mạng gồm “năm điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”, Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “phải giữ kỷ luật”, chống chủ nghĩa cá nhân, phải rèn luyện tính Đảng…

Ngày 3-2-1969, Bác viết tác phẩm đăng báo cuối cùng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân đang tồn tại trong một số cán bộ, đảng viên. Đồng thời Người chỉ rõ cách thức để tổ chức Đảng loại trừ căn bệnh nguy hiểm này: “Phải giữ nghiêm chế độ sinh hoạt của chi bộ. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt 90 năm qua, Đảng ta luôn đặt công tác xây dựng tổ chức Đảng là một nhiệm vụ mang ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng. Đảng xác định, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu không tách rời việc không ngừng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Vừa chú trọng hoàn chỉnh “bộ khung” quy định về xây dựng tổ chức và quản lý, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng Đảng về đạo đức, Đảng đã kiên quyết xử lý nghiêm khắc những tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước nhằm duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Đặc biệt, Đảng cũng chú trọng phát huy vai trò giám sát của các tầng lớp nhân dân đối với công tác xây dựng tổ chức Đảng.

Về quản lý trong nội bộ Đảng, Đảng ta thường xuyên tổng kết thực tiễn nhằm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định đã có để xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh, quản lý đảng viên tốt hơn; thúc đẩy việc nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Chỉ tính trong 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016-2019), Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 80 văn bản nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Đáng lưu ý, ngày 23-9-2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TƯ “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Những văn bản này một phần giúp ai muốn sai phạm “không thể sai phạm”, một phần thể hiện rõ quan điểm “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” và công khai, minh bạch để tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể cùng giám sát. Qua đó, thúc đẩy mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu nêu gương đạo đức cách mạng trong sáng và cùng xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

Về xử lý sai phạm, có thể nói trong lịch sử 75 năm qua - kể từ khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng ta đã rất nghiêm minh trong xử lý kỷ luật cán bộ. Năm 1950, nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và 2 đồng bọn bị xử tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” và Trần Dụ Châu đã bị tuyên án tử hình. Năm 1964, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng cũng phải nhận án tử hình vì tội tha hóa, biến chất, giết người. Sau đó, các bị cáo có đơn xin ân xá nhưng đều bị Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết bác bỏ: “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”... Đặc biệt, chỉ trong 4 năm nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có hơn 53.000 đảng viên chịu kỷ luật, trong đó có hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Về phát huy vai trò giám sát của nhân dân, Đảng ta đã có nhiều quy định nhằm thực hiện lời dạy của Bác “phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng nhân dân thật thà phê bình cán bộ”. Rõ nhất là Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…

2. Tuy các chủ trương, quy định và hành động quyết liệt, nhất là những năm gần đây, mang lại nhiều kết quả to lớn, song thực tế cũng cho thấy nhiều bài học đắt giá trong nhận thức về quyền lực và sử dụng quyền lực.

Do coi quyền lực là của cá nhân và “nhóm lợi ích” - nên đã xuất hiện những hành vi bất chấp quy định, kỷ cương trong Đảng, cố ý làm trái pháp luật.

Do coi quyền lực là tối thượng, không chịu sự kiểm soát nào nên bất chấp ý kiến góp ý xác đáng của quần chúng và dư luận, nên vừa mất dân chủ trong Đảng, vừa khiến dân xa tổ chức Đảng.

Do coi quyền lực là của riêng mình nên nhiều cán bộ sử dụng quyền lực như một đặc ân ban phát cho người nhà, họ hàng, “đàn em” thân tín… Từ đó tiếp tục biến quyền lực thành một phương tiện kiếm tiền, tiếp sức cho căn bệnh chạy chức, chạy quyền sinh sôi.

Quyền lực khi sử dụng sai nguyên tắc, bị xô nghiêng theo chủ nghĩa cá nhân đã khiến Đảng mất đi nhiều cán bộ. Hơn tất cả là mất đi điều thiêng liêng nhất - niềm tin của nhân dân với Đảng.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Thời kỳ cải cách ruộng đất (1954-1957), do sai lầm trong chỉ đạo nên nhiều cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm gây hậu quả lớn. Đảng đã dũng cảm nhận trách nhiệm và kiên quyết sửa sai. Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức; các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương rút khỏi Bộ Chính trị; đồng chí Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương… Chính nhờ vậy mà Đảng dần lấy lại niềm tin, lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Những năm gần đây, việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đi đôi với xử lý nghiêm cá nhân sai phạm theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và “thấu lý, đạt tình” của Đảng đã từng bước tạo sự răn đe, cảnh tỉnh, ngăn chặn sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Qua đây cũng giúp định hướng công tác cán bộ chính xác hơn, góp phần đẩy lùi dần tiêu cực từ những yếu tố “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ…” lấn át “trí tuệ”. Điều đáng mừng là qua đó không làm nhụt đi ý chí dám nghĩ, dám làm của đông đảo đảng viên. Ngược lại, còn siết chặt thêm đội ngũ cùng toàn dân thực hiện đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 6,21%, 2017: 6,81%, 2018: 7,08%, 2019: 7,02% - chính là minh chứng sâu sắc cho phương châm “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt…” của Đảng ta. Cũng từ đây, niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng được vun đắp, nhân lên.

Nhìn lại thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong 90 năm qua là dịp để hiểu sâu sắc hơn về tính cấp bách, quan trọng to lớn của công tác này đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đây cũng là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên quyết tâm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, chức trách của mình, tham gia tích cực vào công tác chuẩn bị để tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

(Còn nữa)

LONG HÀ