Bảo vệ "điểm đến an toàn"

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 02/02/2020

(HNM) - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra ngày càng diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, hôm qua (1-2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch do nCoV gây ra.

Là quốc gia láng giềng có đường biên giới dài với Trung Quốc, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn, khách du lịch nhiều, nên Việt Nam có nguy cơ cao bùng phát dịch. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch Việt Nam là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn, bởi du khách bị hạn chế đi lại giữa vùng dịch với các nước cũng như các nước phải theo dõi đặc biệt du khách.

Với ngành Du lịch Thủ đô, ngay từ khi có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh nCoV, các cơ sở kinh doanh du lịch đều cập nhật thông tin hằng ngày về vùng dịch, dấu hiệu nhận biết và trang bị các kỹ năng phòng ngừa cho du khách cũng như đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên. Bên cạnh việc rà soát các đối tượng, nguồn gốc du khách, nhất là du khách đến từ vùng dịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của du khách…

Những nỗ lực đó đã giúp kiểm soát tốt bệnh dịch, tạo sự yên tâm cho du khách và người dân; qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Thủ đô - điểm đến an toàn, hấp dẫn với du khách. Một minh chứng rõ ràng là mặc dù lượng khách Trung Quốc đến Thủ đô giảm, nhưng số khách đến từ các quốc gia khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu, cùng lượng khách nội địa vẫn gia tăng. Việc này lại càng vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh nCoV vẫn diễn biến khó lường.

Để ngành Du lịch Thủ đô giữ ổn định việc khai thác thị trường, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn hiện nay đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cộng đồng phải rất chủ động và linh hoạt.

Trước hết, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh nCoV và cách phòng tránh để các công ty lữ hành, nhân viên, du khách hiểu và thực hiện. Cụ thể, về phía các công ty lữ hành trên địa bàn phải bám sát thông tin y tế, thực hiện nghiêm việc giám sát khách du lịch có nguy cơ cao nhiễm nCoV đến Việt Nam, tuyệt đối không đưa du khách từ vùng dịch vào Hà Nội, như chỉ đạo mới nhất của UBND thành phố.

Bên cạnh việc rà soát chặt chẽ các khách, nguồn gốc khách,  các doanh nghiệp lữ hành cần chú trọng các giải pháp phòng ngừa như: Dùng chất tẩy rửa, khử trùng, đeo khẩu trang, theo dõi sức khỏe du khách, kịp thời báo cáo cho ngành Y tế… Các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch, khách sạn... không nên phân biệt khách du lịch đến từ quốc gia nào mà cần ứng xử văn minh, bảo đảm môi trường du lịch hài hòa, an toàn.

Mặt khác, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như du khách nhằm nhanh chóng phát hiện ổ dịch nếu có và hạn chế thấp nhất mức lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành còn phải chủ động tăng cường quảng bá để thu hút du khách nước ngoài đến từ các thị trường không có vùng dịch như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cùng với đó, cần có các giải pháp "kích cầu" để khai thác mạnh hơn nữa thị trường du lịch nội địa.

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được nhiều du khách lựa chọn bởi không chỉ có nhiều di tích, danh thắng hấp dẫn mà còn nổi tiếng là điểm đến an toàn, thân thiện. Trong bối cảnh dịch bệnh nCoV lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, những nỗ lực của ngành du lịch Thủ đô không chỉ nhằm giữ vững tăng trưởng mà còn góp phần bảo vệ hình ảnh "Hà Nội - điểm đến an toàn" trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Duy Biên