Dấu ấn tốt đẹp trên trường quốc tế

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:13, 02/02/2020

(HNM) - Với việc chủ trì phiên họp tổng kết các hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1-2020 vào ngày 31-1, Việt Nam đã chính thức hoàn thành trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an của tháng, sự kiện quan trọng mở đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an 2020-2021, trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an.

Hội đồng Bảo an là cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của Liên hợp quốc. Tại khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 6-2019, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực của cơ quan an ninh lớn nhất thế giới nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục 192/193 phiếu. Ngay trong tháng 1-2020, Việt Nam đã đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Thông thường, các nước thường có thời gian chuẩn bị khoảng 1 năm cho nhiệm vụ này nhưng Việt Nam chỉ có 6 tháng.

Ý thức được trách nhiệm và những khó khăn của trọng trách mới, Việt Nam đã chủ động triển khai rà soát và xây dựng hồ sơ về từng vấn đề trong chương trình nghị sự; xây dựng cơ chế phối hợp, tham vấn liên ngành trong việc xử lý công việc của Hội đồng Bảo an. Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng, ngay từ đầu, Việt Nam đã vạch rõ được các ưu tiên trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của mình. Trong đó, với trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã nêu được sáng kiến chủ đề ưu tiên là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, qua đó góp phần tăng cường tuân thủ luật pháp quốc tế và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu.

Ngoài ra, một sáng kiến đáng chú ý khác của Việt Nam trong tháng qua là lần đầu tiên tổ chức cuộc họp thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mở ra cơ hội để nâng cao sự hiểu biết của Hội đồng Bảo an nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung về vai trò của ASEAN trong khu vực, trên thế giới.

Đối với việc điều hành, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã phản ứng kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của Hội đồng Bảo an, thúc đẩy việc xây dựng đồng thuận để cơ quan này đề ra được các quyết định kịp thời. Tổng cộng Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và 1 quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế Liên hợp quốc, 1 tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của Hội đồng Bảo an trong nhiều năm gần đây.

Trước những kết quả này, đại diện các nước nhận định Việt Nam đã xây dựng được chương trình nghị sự hợp lý, xử lý một cách linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh. Các nước ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của Chủ tịch, thông tin về công việc của Hội đồng Bảo an cho các nước không phải thành viên của cơ quan này, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.

Hoàn thành tốt đẹp trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Việt Nam đã tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển. Qua đây, Việt Nam cũng để lại dấu ấn tốt đẹp về năng lực xử lý các vấn đề chung và thể hiện rõ mong muốn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Những kết quả đạt được trong Tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an cũng là tiền đề và kinh nghiệm quan trọng để Việt Nam tiếp tục đảm nhận trọng trách này lần thứ hai, vào tháng 4-2021 cũng như hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của cơ quan an ninh quan trọng nhất thế giới.

Nguyễn Thúc