Thành phố Hồ Chí Minh: Thị trường khẩu trang hạ nhiệt, sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:20, 03/02/2020
Cả hệ thống chính trị và người dân thành phố Hồ Chí Minh cùng vào cuộc, chuẩn bị mọi phương án để phòng chống dịch bệnh cũng như sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) lan rộng.
Thị trường khẩu trang đã hạ nhiệt
Chiều 3-2, chợ bán buôn thuốc tây lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh trên con phố Nguyễn Giản Thanh (phường 15, quận 10) nhộn nhịp hơn thường lệ, bởi lượng người đến tìm mua khẩu trang y tế và nước sát khuẩn. Phần lớn các quầy bán đều treo biển "hết khẩu trang", hoặc "không bán khẩu trang".
Chị Út Thơm, chủ một quầy thuốc trong chợ cho biết: "Cửa hàng tôi trước giờ cũng bán khẩu trang, nhưng nay nguồn hàng khan hiếm, chỉ đủ để bán cho mối quen theo giá cũ, nên treo biển hết hàng".
Trong khi đó, cửa hàng thuốc Lộc Thiện, một trong vài cửa hàng lớn nhất tại chợ thuốc treo biển "Cam kết cung cấp đủ khẩu trang theo giá cũ". Trước cửa hàng, cả trăm người xếp thành hàng dài chờ mua. Theo giá niêm yết tại đây, khẩu trang than kháng khuẩn giá 36.000đ/hộp. Khẩu trang xanh 4 lớp kháng khuẩn giá 30.000đ/hộp. Khẩu trang dành cho trẻ em 15.000đ/hộp.
Một nhân viên cửa hàng cho biết, do nguồn cung bảo đảm, cửa hàng vẫn có khẩu trang bán cho khách. Tuy nhiên, trong dịp cao điểm này, mỗi người chỉ có thể mua tối đa 3 hộp khẩu trang người lớn, 3 hộp khẩu trang trẻ em. "Chúng tôi muốn bán được cho nhiều người, chứ không phải bán cho đầu nậu gom hàng", nhân viên này nói và từ chối cung cấp họ tên.
Ngoài Lộc Thiện, các cửa hàng thuộc chuỗi Pharmacity cũng bán theo giá cũ, hạn chế mỗi người mua 2 hộp. Thậm chí, Nhà thuốc Healthly Beauty trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) còn phát miễn phí khẩu trang cho người đi đường, mỗi người 2 chiếc.
Các cơ quan nhà nước cũng tham gia cung cấp khẩu trang miễn phí cho nhân viên và khách đến làm việc. Tại Sở khoa học và Công nghệ thành phố (trụ sở tại quận 3), Văn phòng Sở chuẩn bị sẵn hộp khẩu trang và nước khử khuẩn ngay lối ra vào để mọi người có thể dùng. Tại trụ sở UBND nhiều phường ở quận Bình Tân, người dân đến làm việc không mang theo khẩu trang cũng được phát miễn phí.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Chủ tịch UBND phường An Lạc A, quận Bình Tân cho biết, phường sẽ cố gắng duy trì việc này cho đến khi hết dịch.
Sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến 500 giường
Ngày 3-2, trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết Sở đã trình đề án xây dựng bệnh viện dã chiến, phục vụ phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra lên các cấp lãnh đạo thành phố xem xét.
Theo đó, đứng trước nguy cơ thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm những ca nhiễm nCoV mới, thậm chí có thể xảy ra tình trạng dịch lan rộng trong cộng đồng, ngành Y tế sẽ phải chuẩn bị sẵn các phương án khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch để hạn chế tối đa thiệt hại. Bệnh viện dã chiến nằm trong kế hoạch tổng thể này. Đây sẽ là bệnh viện quy mô 500 giường, được đặt tại một địa điểm công cộng, có sẵn hạ tầng như các trường học hoặc đơn vị quân đội.
Trước đó, ngày 1-2, Chủ tich UBND thành phố Nguyễn Thành Phong chỉ đạo trong ngày 3-2, tất cả các bệnh viện trong thành phố phải có khu vực cách ly, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm nCoV trên địa bàn. Về đề án bệnh viện dã chiến, Chủ tịch UBND thành phố giao cho Sở Y tế hạn chót là ngày 15-2 phải sẵn sàng nhân lực, vật lực, triển khai bệnh viện dã chiến khi có yêu cầu.
Theo số liệu mới nhất được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công bố ngày 3-2, thành phố có 3 người nhiễm vi rút nCoV. Một người trong số này đã khỏi bệnh, 2 người còn lại diễn tiến sức khỏe tốt. Có 16 người đang được cách ly theo dõi do đã có tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân dương tính với nCoV. Toàn thành phố hiện không có trường hợp nào "nghi ngờ mắc bệnh".