Google lần đầu hé lộ doanh thu khủng của YouTube
Xe++ - Ngày đăng : 07:39, 04/02/2020
Báo cáo lần này là một phần trong báo cáo tổng thể của Alphabet, cũng đồng thời đánh dấu việc kết quả kinh doanh lần đầu tiên được công bố kể từ khi Giám đốc điều hành tập đoàn Sundar Pichai (vốn là Giám đốc điều hành Google) tiếp nhận vị trí quyền lực từ hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin.
Theo đó, chỉ tính riêng ba tháng vừa qua, YouTube đã thu về 5 tỷ USD từ hoạt động quảng cáo. Google cho biết mức doanh thu của YouTube trong năm 2019 ở mức 15,15 tỷ USD (tăng 36,5% so với năm 2018), đóng góp khoảng 10% tới tổng doanh thu của Google toàn năm đó. Con số này cho thấy doanh thu của một mình YouTube đã bằng 1/5 của Facebook, và lớn gấp 6 lần Twitch (thuộc Amazon). Đây là mức doanh thu có lẽ không ai dám nghĩ tới khi YouTube lần đầu tiên về với Google vào năm 2006 trong thương vụ thâu tóm trị giá 1,65 tỷ USD.
Google cũng cho biết YouTube hiện có khoảng 20 triệu thuê bao Premium (xem nội dung không bị quảng cáo) và Music Premium, cùng khoảng 2 triệu thuê bao của dịch vụ truyền hình có trả tiền. Tuy nhiên, doanh thu từ những lĩnh vực này được Alphabet ghép vào các hạng mục “Doanh thu khác” (khoảng 5,3 tỷ USD) gồm cả kinh doanh phần cứng như điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home.
Báo cáo cho thấy, trong quý cuối năm 2019 (kết thúc vào ngày 31-12-2019) Alphabet đã thu về 46 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2018. Trong đó, lợi nhuận lên tới 10,7 tỷ USD. Công cụ tìm kiếm vẫn là lĩnh vực đem tới nhiều tiền nhất cho Google (khoảng 27,2 tỷ USD). Trong khi đó, dịch vụ điện toán đám mây Google Cloud hiện chưa thể hiện hết tiềm năng, khi chỉ đạt khoảng 2,6 tỷ USD doanh thu trong quý vừa qua. Nếu xét toàn năm, Google Search đã thu về tới 98,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2018.
Như vậy, kết quả kinh doanh của Google đã vượt xa mọi dự đoán của giới phân tích phố Wall về lợi nhuận, nhưng chưa chạm mốc kỳ vọng về doanh thu. Đây có lẽ chính là lý do hãng khổng lồ tìm kiếm trực tuyến quyết định công bố doanh thu của YouTube và Google Cloud lần đầu tiên nhằm trấn an giới đầu tư. Thông qua đó, Google muốn khẳng định rằng mô hình kinh doanh của hãng không chỉ lệ thuộc vào công cụ tìm kiếm, mà còn có nhiều lĩnh vực với tốc độ phát triển nhanh chóng khác như YouTube hay Google Cloud.