Du lịch Hà Nội nỗ lực vượt qua thử thách mang tên nCoV
Du lịch - Ngày đăng : 15:25, 04/02/2020
Sát cánh cùng vượt qua khó khăn
Khi dịch bệnh do nCoV ảnh hưởng tới Việt Nam, du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu nhiều tác động nhất. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, tính đến ngày 3-2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là hơn 13.000 phòng, tương đương với hơn 16.000 khách; hoạt động lữ hành giảm khi du lịch trong nước (inbound) có hơn 7.600 khách hủy, du lịch quốc tế (outbound) có hơn 7.100 khách hủy; hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%; số lượng khách tới các điểm đến giảm 30-50%.
“Sự chung tay cùng chia sẻ khó khăn của các đơn vị lúc này là rất cần thiết”, ông Trần Đức Hải nhận định.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành, hơn 3.000 cơ sở lưu trú. Đứng trước thách thức mới nhất, các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến đều cho rằng, đây là thời điểm cần phải chung sức, chia sẻ, hỗ trợ khắc phục khó khăn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận chuyển đường bộ Minh Việt - Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, đơn vị sẵn sàng cùng gánh vác, hỗ trợ chi phí hoàn trả cho các công ty lữ hành khi phải hủy tour, hoàn trả tiền cho khách.
Hiện nay, Vietnam Airlines đang nỗ lực cùng các đơn vị lữ hành nghiên cứu khai thác, thực hiện tour tuyến mới đến những nơi không có dịch, để khách có thể yên tâm du lịch.
Chung tay ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do nCov gây ra, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và các doanh nghiệp đã tổ chức phát khẩu trang miễn phí từ ngày 3-2 tại nhiều điểm di tích của Hà Nội, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây), chợ Đồng Xuân…
Chung tay bảo đảm an toàn các điểm đến
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải lưu ý: “Các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến cần có những lộ trình, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ khi hết dịch, hồi phục thị trường nhanh nhất có thể, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi quay trở lại các hoạt động đưa, đón khách”.
Tham gia hiến kế nhằm phòng, chống dịch và ổn định thị trường du lịch thời điểm hiện tại, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, trước mắt, các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú vẫn phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch. Các hướng dẫn viên cần được tập huấn phòng, chống dịch đúng cách để sau đó hướng dẫn lại cho du khách như cách đeo khẩu trang, vệ sinh tay đúng phương pháp...
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc kinh doanh của Khách sạn Metropole Hà Nội cho biết, khách sạn thường xuyên tẩy khuẩn, khử trùng bên trong khách sạn, phát khẩu trang miễn phí cho du khách, các nhân viên phải đeo khẩu trang và được tập huấn cách tiếp xúc với khách. “Khi cơ sở lưu trú tạo sự an toàn, bảo đảm cho du khách thì khách sẽ yên tâm lưu lại và còn muốn quay trở lại những lần tiếp theo”, bà Hà cho biết.
Một trong những việc cần được quan tâm thời gian tới khi hoạt động du lịch có thể tiếp tục cầm chừng là làm thế nào ổn định tâm lý của những người làm du lịch. Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội Phạm Văn Bảy gợi ý: “Các đơn vị cần có biện pháp tâm lý, động viên nhân sự để người lao động yên tâm hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Không để tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên, người làm du lịch khi thị trường du lịch được phục hồi”.
Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng ngành Du lịch Thủ đô xác định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ an toàn cho người dân và du khách. Dù trước mắt lượng khách sẽ giảm nhưng nếu các điểm đến được bảo đảm an toàn, du khách sẽ yên tâm trở lại ngay sau khi hết dịch.