Phòng chống lây nhiễm nCoV ngay từ các phương tiện giao thông công cộng
Đời sống - Ngày đăng : 16:08, 04/02/2020
Xe buýt, taxi, xe ôm "sạch"
Chiều 4-2, vừa bước lên xe taxi Mai Linh tại số 116 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, chị Dương Thanh Hương, nhân viên văn phòng, đã được tài xế tặng một chiếc khẩu trang y tế. "Tôi hơi bất ngờ, nhưng cũng vui vì món quà thiết thực này", chị Hương nói.
Ông Vũ Sơn, Giám đốc Y tế của Tập đoàn Mai Linh cho biết, doanh nghiệp sẽ duy trì hình thức này đến khi nào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hết dịch nCoV.
Còn trên các tuyến xe buýt khắp thành phố, từ ngày 1-2, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản, khuyến khích các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này có biện pháp khử trùng phương tiện thường xuyên; lái xe và nhân viên xe buýt phải đeo khẩu trang, găng tay khi làm việc.
Không chỉ xe buýt, xe taxi, nhiều hãng xe ôm công nghệ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như GoViet, Grab cũng đã trang bị khẩu trang cho tài xế khi vận chuyển khách hay giao nhận hàng hóa, thực phẩm... nhằm tránh sự lây lan của nCoV. Riêng với dịch vụ giao đồ ăn, GrabBike bắt buộc tài xế phải đeo găng tay và bọc thêm một lớp bọc thực phẩm, có dán tem của hãng nhằm tăng cường vệ sinh thực phẩm khi giao đến khách hàng.
Dịch vụ xe công nghệ BE (thành viên BE Group) quy định chặt chẽ hơn: Việc đeo khẩu trang đối với tài xế xe công nghệ là bắt buộc, được hãng trang bị. Nếu không tuân thủ, các tài xế có thể bị khóa tài khoản hoạt động. Anh Lâm Văn Long, tài xế của hãng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ lan rộng như hiện nay, quy định này là cần thiết và được các tài xế ủng hộ.
Bến xe, ga tàu, sân bay, cảng biển cũng "sạch"
Cũng trong chiều 4-2, theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, toàn bộ nhân viên ở các ga tàu, bến xe, sân bay hay các bến thủy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều đeo khẩu trang, găng tay... khi đón tiếp, hướng dẫn khách đi lại. Tại các địa điểm này, các tấm áp phích tuyên truyền về phòng chống nCoV được treo, dán khắp nơi. Loa phát thanh công cộng liên tục hướng dẫn người dân cách phòng tránh. Sở Y tế thành phố đã huy động thêm 20 bác sĩ từ tuyến quận, huyện để tăng cường ở các điểm này.
Trong cuộc họp vào chiều tối 3-2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt với ngành Giao thông Vận tải thành phố. Theo đó, mục tiêu cao nhất là không để phát sinh ca nhiễm bệnh do lây lan trên các phương tiện giao thông; không chủ quan, làm hết sức mình theo tất cả phương án một cách quyết liệt.
Thực hiện chỉ đạo này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị quản lý bến bãi tiến hành khử trùng phương tiện, ga tàu, bến xe liên tục trong vòng 2 tuần tới.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã có máy đo thân nhiệt tại ga quốc tế. Ngay trong tuần này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt hành khách tại nhà ga quốc nội, giám sát chặt chẽ hành khách đến từ Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nha Trang. Những hành khách đến thành phố Hồ Chí Minh bằng tàu hỏa trên tuyến Nha Trang - Sài Gòn - Nha Trang sẽ được đo thân nhiệt.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát quốc tế (Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đối với vận tải khách bằng đường biển, trung tâm đã kiểm soát thân nhiệt tại Cảng Hàng hải cơ sở 2 ở Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thực hiện tờ khai y tế để xử lý ngay từ đầu trước khi khách vào thành phố. Đối với các tàu bè từ vùng dịch, hoặc đi ngang vùng dịch, các thuyền viên không lên bờ và được cách ly theo dõi trong 14 ngày.