Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình
Đời sống - Ngày đăng : 18:49, 04/02/2020
Chỉ thị nêu rõ, những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được những kết quả nhất định: Nhận thức của cộng đồng, chính quyền và tổ chức, đoàn thể ngày một nâng cao, các biện pháp phòng, chống, phê phán, lên án hành vi bạo lực gia đình đã và đang triển khai ở cộng đồng ngày càng phát huy hiệu quả; số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm, nhận thức của người dân đang dần thay đổi theo hướng tích cực và xuất hiện những tấm gương điển hình, tiên tiến.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Bạo lực gia đình đã và đang ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều cơ quan, chính quyền, đoàn thể chưa xác định rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tuyên truyền văn hóa ứng xử, phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng. Cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có cộng tác viên về gia đình ở cơ sở.
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp. Tổ chức, triển khai hiệu quả mạng lưới quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu, thành lập các cụm thi đua về công tác gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình, trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình; tổng kết, đánh giá “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chương trình giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình; nhân rộng mô hình Đội phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao giáo dục pháp luật cho người gây bạo lực gia đình.
Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình các cấp để đáp ứng yêu cầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cở sở.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận thông tin và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em thông qua Tổng đài 111. Đẩy mạnh công tác bảo trợ xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với trình độ đào tạo của các cấp học.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác gia đình và xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.
Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tiếp tục nghiên cứu nhân rộng và duy trì các mô hình như: Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình Đội phản ứng nhanh và các mô hình khác về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo báo cáo về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình trong nội dung báo cáo kết quả thực hiện kinh tế - xã hội ở địa phương.