Trong veo ơi sao rót mãi cay xè
Văn hóa - Ngày đăng : 16:40, 05/02/2020
Cao Xuân Sơn viết kỹ, kiệm chữ, trọng chữ và trân quý chữ. Đọc, thấy rõ ông là người xê dịch nhiều. Ông đi chán vạn dặm đường, đọc chán vạn cuốn sách rồi mới viết được dăm câu gửi gắm vào những tháp Eiffel hay ngục Bastille, gửi mộng mị khi thì vào lãng đãng hoa ngoài biên giới Tổ quốc, khi là một chuyến bay, dọc ngang sấp ngửa cùng thế sự. Ông còn dành cho người đọc sự ngạc nhiên trong cách Dặn con gái: “Nhà mình nhiều cơn túng bấn/ mà chưa đói sách bao giờ/ bố muốn bận gì thì bận/ con đừng thấy sách ngó lơ”... Cách dạy dỗ con đọc sách, cho con những tri thức rộng lớn hơn ngoài căn nhà mình ở như vậy sẽ động lòng trắc ẩn bao ông bố trên dương gian này.
Thơ Cao Xuân Sơn trong trẻo, hồn nhiên, dù xuyên suốt tập, vẫn hắt lên những lát cắt của cuộc đời tha hương, quăng quật, nghiêng ngả. Ông nhìn thời cuộc bằng con mắt hóm hỉnh, ngơ ngác của một nhà văn nhiều năm viết cho trẻ thơ, cộng với cái lọc lõi, sâu sắc, xem rất nhẹ mọi việc ở đời: “Nhẹ tênh những cú động trời/ ngọt muốn khóc, đắng lại cười, đôi khi/ vàng mình như rác ném đi/ rác người chuốc lấy mê ly ngỡ vàng”.
Phải là người chịu đi hết ngày đàng, nghĩ ngợi, tìm kiếm phát hiện rồi mới viết, Cao Xuân Sơn mới để lại những dấu hỏi, những dấu lặng sau khi gấp sách lại: “Không ngậm ngải, cứ tìm trầm/ kể chi được mất trăm năm trò đùa”.
Cao Xuân Sơn là người dân quê của đồng chiêm trũng Hà Nam, tha hương định cư thành phố Hồ Chí Minh để sống, luôn có cái nhìn hoài nhớ về cố hương xa vời: “Có cách gì để cạn hết bơ vơ/ khi chén rượu mỗi chiều mỗi nhạt?”. Bản lĩnh và chậm rãi trong cách nhìn thời cuộc, thấy mọi thứ cũng không có gì ghê gớm, ông làm chủ ngòi bút, tĩnh tại chiêm nghiệm để viết. Cô đặc lại ý nghĩ, rồi chưng cất từng câu thơ. Bắt đầu từ Dấu chân ta về ấm những chân trời, đến chốt sách lại là Bấm chân qua tuổi dại khờ. Nếu nhìn trên mặt đất những ngón chân bấm lại của Sơn, sẽ có chữ của thơ. Ông viết về mẹ trong tâm tư của một người con muốn len lỏi vào giấc mơ của mẹ, xem mẹ đang nghĩ gì? Hoặc cả khi thinh lặng: “Nhắm mắt biết vòm trời đang tốc mái/ ngăn làm sao siêu bão mỗi lòng người?”. Khi tiễn biệt một người bạn, Cao Xuân Sơn cúi xuống với tiếng gọi: “Gọi bác chỉ “tò te tí”/ giời ạ, thình lình vậy sao?”.
Những phác họa chân dung dưới cách chia tay hay gặp gỡ, cũng như nét ký họa những phận người, chấm phẩy vài nét bằng thơ tự do là cách để gói lại những nỗi niềm mà ông chia sẻ chốn thị thành, với thành phố Hồ Chí Minh nhiều tạp âm hơn lặng lẽ. Nhưng khi về với hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội, ông lại: “Nhắm mắt òa xanh tóc liễu hồ/ Tháp Rùa hư ảo giữa sương mơ/ cầm tay Thê Húc vào mây khói...”.
Bấm chân qua tuổi dại khờ là thơ của một người luôn thủy chung, đắm đuối nhưng “chầm chậm” với thơ để đi tới mình. Dẫu cho ông luôn biết: “Chung đích đến dù nhanh thêm, chậm lại/ ga cuối cùng… đâu có suất ưu tiên?”.
Cao Xuân Sơn đã đi, đã đọc và đã viết, nhà thơ gợi mở những giả thiết, đáp án, về giá trị sống trong cõi người, cũng tùy theo cách cảm cách nhìn của bạn đọc.