Hà Nội sẽ tiến hành khử trùng các công sở, chung cư, nơi tập trung đông người
Đời sống - Ngày đăng : 17:20, 05/02/2020
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 5-2, thế giới ghi nhận 24.580 trường hợp mắc bệnh do vi rút nCoV, trong đó có 493 trường hợp tử vong (tại Trung Quốc có 491 người tử vong).
Tại Việt Nam, tính đến 15h ngày 5-2-2020, đã ghi nhận 10 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó có 2 cha con người Trung Quốc; 5 công dân Việt Nam đều từ Vũ Hán trở về; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam trước đó đã quá cảnh tại Vũ Hán; 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính. Hiện đã có 3 người được xuất viện.
Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV. Số trường hợp nghi nhiễm giám sát tại bệnh viện là 37. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần cần được giám sát là 149, trong đó số đã kết thúc giám sát là 126 người, số đang tiếp tục giám sát là 23 người.
Theo Sở Y tế, đã có ca lây nhiễm thứ phát tại nước ta, nguy cơ lây lan tại cộng đồng lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng dịch. Theo nhận định của các chuyên gia, số mắc có thể cao do tốc độ lây lan nhanh, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do dịch bệnh này chỉ vào khoảng 2%.
Hiện nay, Sở Y tế đã tiến hành điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để tại nhà bệnh nhân; tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm. Trong những ngày qua, UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng chống dịch thường xuyên; tổ chức tập huấn cho các trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện trong và ngoài công lập…
Có thể khử trùng bề mặt bằng hóa chất thông thường
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Sở Y tế phổ biến thêm cách phòng, chống dịch cho các địa phương, người dân. Theo đó, trong thời gian tới các địa phương cần thực hiện khử khuẩn ở các nơi như: Siêu thị, chợ, chung cư, bến tàu, bến xe, những nơi công cộng... Công tác khử khuẩn cần được thực hiện trên bề mặt tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, có thể sử dụng bằng hóa chất Cloramin B và các hóa chất thông thường để thay thế. Ngoài ra, người dân sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần hoặc khẩu trang vải có thể dùng lại sau mỗi lần giặt.
Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện đúng chỉ đạo việc dừng các hoạt động lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn. Sở cũng đã lên các phương án chuẩn bị cho việc tổ chức những sự kiện lớn mà Hà Nội đăng cai như Giải đua xe Công thức 1, Lễ hội hoa anh đào… ngay khi hết dịch.
Đồng thời, Sở Du lịch Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở lưu trú thực hiện công tác khử khuẩn, phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Sở Công Thương cũng khẳng định, bảo đảm cung ứng hàng hóa ra thị trường, phục vụ người dân.
Đặc biệt, Công an thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quản lý cư trú đối với những người nước ngoài, xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn thất thiệt và những trường hợp găm hàng, tăng giá, nhất là với mặt hàng thiết bị y tế…
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở Y tế phải có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương công tác khử khuẩn tại các trụ sở, cơ quan, chung cư, siêu thị, nơi công cộng. Đồng thời, Sở Y tế phải phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô lên các phương án dự phòng cụ thể, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết trong trường hợp mức độ lây lan lên cấp độ 4.
Phấn đấu không xảy ra dịch, sẵn sàng cho mọi tình huống
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều này đã được cụ thể hóa bằng các văn bản, trong đó có Kế hoạch 23/KH-UBND ngày 31-1. Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống, không để dịch bệnh nCoV lây lan trong cộng đồng.
“Cả hệ thống chính trị cần thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống bệnh, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống theo Bộ Y tế, Sở Y tế. Các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu trên địa bàn Hà Nội không xảy ra lây nhiễm chéo, nhưng vẫn phải chuẩn bị những kịch bản xấu nhất, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, đến thời điểm này, Hà Nội chưa có trường hợp lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn có nhiều nguy cơ lây nhiễm cao do số người lao động, khách du lịch, du học sinh từ Trung Quốc về. Hà Nội lại là nơi trung chuyển người lao động từ các tỉnh khác đi đến các địa phương của Trung Quốc.
Với phân tích này, Chủ tịch UBND thành phố nêu ra những nhiệm vụ cụ thể để các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Nhiệm vụ số một là phải tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động đối tượng là lao động, du học sinh, khách du lịch từ Trung Quốc trong việc tự giác thông báo để các cơ quan chức năng kiểm soát, tổ chức cách ly theo đúng thời gian quy định. Những người trung chuyển qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) cần phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày như người bệnh.
Các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân tự phòng ngừa, tự vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại gia đình. Việc tuyên truyền này cần lồng ghép cả việc phòng ngừa những loại bệnh khác theo mùa, như cúm, sốt xuất huyết…
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung lưu ý, các địa phương phải tiêu trùng, khử độc tại tất cả cơ quan, nhà ga, bến tàu, chung cư, siêu thị, nơi công cộng... Đối với trường học, cần phải khử trùng lần 2, trước ngày 9-2, khi học sinh đi học trở lại.
Liên quan đến việc sản xuất, cung ứng khẩu trang, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi. Sở Công Thương phải phối hợp với các đơn vị liên quan tìm nguồn nguyên vật liệu từ các thị trường như Ấn Độ, Nam Phi, các nước châu Âu để bảo đảm sản xuất đủ cho người dân.
Về các phương án dự phòng khi mức độ lây lan bệnh ở cấp độ 4, đồng chí Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, các quận, huyện, thị xã phải chuẩn bị các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn tại các cơ sở y tế ở 584 xã, phường, thị trấn cho phương án cách ly khi thành phố yêu cầu.
Bộ Tư lệnh Thủ đô sẵn sàng các trang thiết bị thiết yếu cho bệnh viện dã chiến như tiến hành khử trùng, tiêu độc, đội ngũ y, bác sĩ…, bảo đảm thực hiện việc cách ly 14 ngày cho các trường hợp người Việt Nam ở Trung Quốc và những vùng có dịch khi đưa về Việt Nam.
“Chúng ta cần phải chuẩn bị mọi phương án ngay từ bây giờ để sẵn sàng những điều kiện có thể ứng phó trong mọi tình huống, kể cả là tình huống xấu nhất khi mức độ lây lan dịch ở cấp độ 4. Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải bắt tay ngay vào việc thực hiện những giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh những giải pháp mang tính sáng tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhằm khôi phục nền kinh tế và các lĩnh vực khác ngay khi hết dịch”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.