Ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ động các giải pháp cho vụ xuân
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:34, 05/02/2020
Nguy cơ đang hiện hữu
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu. Chưa bao giờ người dân các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ lại đón Tết Nguyên đán trong mưa to kèm dông, lốc, sét, có nơi xảy ra mưa đá. Tổng lượng mưa trong tháng 1-2020 tại khu vực Bắc Bộ cao hơn 361% so với trung bình nhiều năm, cao hơn 253% so với tháng 1-2019 và 260% so với tháng 1-2018...
Tuy nhiên, do lượng mưa tập trung trong thời điểm ngắn, phân bố không đồng đều nên dòng chảy hạ lưu các sông: Hồng, Đà, Đuống, Thái Bình… vẫn ở mức thấp. Trong ngày 4-2, trên sông Hồng, mực nước tại Trạm thủy văn Sơn Tây chỉ đạt 2,16m, thấp hơn mực nước vận hành Trạm bơm Phù Sa tới 2,64m. Trên sông Đà, mực nước tại Trạm thủy văn Ba Vì chỉ đạt 8,25m, thấp hơn mực nước vận hành Trạm bơm Sơn Đà 0,65m…
Về nhiệt độ, trong tháng 2-2020, mặc dù các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng 3-4 đợt không khí lạnh (vào các ngày 3 và 4-2, 8 và 9-2, 15 và 16-2, 24 và 25-2) nhưng nền nhiệt trung bình tháng đạt 17-19 độ C, cao hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 0,5-0,8 độ C... Từ tháng 2 đến tháng 4-2020, khu vực Bắc Bộ có nền nhiệt phổ biến cao hơn 0,5-1 độ C và có nhiều ngày mưa, nắng, nóng, lạnh đan xen tạo thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển, gây hại cây trồng…
Ông Trần Xuân Định, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, biến đổi khí hậu không chỉ thay đổi chế độ thủy văn mà còn làm gia tăng sâu bệnh gây hại cây trồng. Với nền nhiệt trung bình cao, độ ẩm lớn, các loài sâu bệnh, nấm, đạo ôn, chuột, ốc bươu vàng… sẽ phát triển nhanh hơn, gây hại cho cây trồng mạnh hơn trong vụ xuân 2020.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), biến đổi khí hậu còn làm giảm năng suất một số cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn/ha vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn/ha vào năm 2050… Thực tế, năng suất lúa vụ xuân 2019 của thành phố Hà Nội cũng đã giảm 3,96 tạ/ha so với vụ xuân 2018…
Chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết của các hồ thủy điện, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây mới các trạm bơm: Đan Hoài, Thụy Phú II, Hồng Vân… Các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã chủ động lắp đặt trạm bơm dã chiến lấy nước sông Hồng, sông Đà ở cột nước thấp. “Tính đến ngày 4-2, 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã cấp đủ nước cho 60.025ha, tương ứng 66,7% diện tích sản xuất vụ xuân; mặc dù trong tháng 2 này vẫn còn hai đợt điều tiết nước từ hồ thủy điện…”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết.
“Ứng phó với thời tiết bất thường năm nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã khuyến cáo nông dân tập trung cấy trà xuân muộn, bắt đầu từ ngày 4-2 và hoàn thành trước ngày 5-3; thời gian gieo sạ bắt đầu từ ngày 10-2 đến ngày 20-2; không gieo cấy vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 15 độ C…”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin thêm.
Cùng với đó, nhiều nơi trên địa bàn thành phố đã chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất vụ xuân theo đặc thù địa phương. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, vụ xuân 2020, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân kinh phí cấy lúa bằng máy, chuyển đổi mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và trồng mới cây ăn quả…
Tương tự, các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn… đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa gặp khó khăn về nguồn nước sang trồng các loại cây rau màu, cây trồng sử dụng ít nước nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn. Các huyện cũng lưu ý nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng phải gắn dự báo nhu cầu của thị trường...
Ông Đinh Văn Tùng, nông dân Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức), cho hay: “Do thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước, hiệu quả kinh tế thấp nên năm 2019, gia đình tôi đã chuyển 3 sào trồng lúa trên vùng đất cao sang trồng cây cà gai leo. Thu nhập từ cây dược liệu này cao gấp 6-7 lần trồng lúa mà không phải lo lắng về nguồn nước, sâu bệnh. Vụ xuân này, gia đình tiếp tục đổi đất cho họ hàng để mở rộng diện tích trồng cà gai leo lên thành 5 sào…”.
“Hợp tác xã có 30ha đất bãi thường xuyên bị thiếu nước sản xuất, năng suất lúa chỉ đạt 50-54 tạ/ha. Thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành, hợp tác xã đã vận động xã viên chuyển đổi diện tích này sang trồng cây bưởi, rau màu…; đồng thời, áp dụng mô hình quản lý dịch hại, tưới tiết kiệm nước. Hiện mỗi héc ta sản xuất ở vùng bãi này đạt giá trị 140-170 triệu đồng, cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa trước đây…”, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Võ (huyện Chương Mỹ) Phạm Giang Nam thông tin.
“Ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chuyển đổi 7.747ha và dự kiến trong năm 2020 sẽ chuyển đổi thêm 660ha đất trồng lúa khó khăn về nguồn nước sang cây trồng cạn, ít tiêu hao nước; đồng thời, tham mưu UBND thành phố đầu tư xây dựng hệ thống lấy nước không phụ thuộc nguồn điều tiết của các hồ thủy điện; tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích nông dân canh tác lúa sinh thái, quản lý dịch hại tổng hợp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.