Đẩy mạnh phát triển lưới điện thông minh
Xe++ - Ngày đăng : 07:08, 06/02/2020
Dù sự việc xảy ra đã hơn 2 năm, nhưng anh Trần Tuấn Trung, chuyên viên Phòng Điều hành của Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn nhớ về hậu quả của cơn bão số 10 vào năm 2017. "Cơn bão quá mạnh khiến cáp quang cả mạch 1 và mạch 2 của hệ thống truyền tải điện quốc gia đoạn ở Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) bị đứt. Nhưng rất may, nhờ việc vận hành lưới điện thông minh và hệ thống viễn thông dùng riêng, sự cố đã được khắc phục kịp thời trong thời gian sớm nhất", anh Trần Tuấn Trung cho hay.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc EVNICT, để phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, EVN đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường giám sát, điều khiển tự động cho hệ thống điện, hệ thống đo đếm từ xa. Những năm qua, EVN đã triển khai các ứng dụng nhằm tăng cường độ tin cậy, tối ưu vận hành lưới điện, giảm tổn thất điện năng, bảo đảm an toàn truyền tải trên hệ thống điện 500kV. Đặc biệt, để phục vụ lộ trình phát triển lưới điện thông minh, EVN đầu tư một hệ thống viễn thông dùng riêng đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật, nhu cầu phát triển của hệ thống điện năng.
"Mạng viễn thông dùng riêng EVN đang vận hành trên đường dây cao thế từ 110kV trở lên và cung cấp đường kết nối tới các nhà máy điện, trạm biến áp 500kV, trạm biến áp 220kV và trạm biến áp 110kV. Mạng này rất hữu ích, kết nối tất cả các đơn vị thành viên của EVN tạo thành một mạng WAN dùng chung. Hiện tại, các đơn vị thành viên của EVN đều đã tham gia vào hệ thống mạng WAN EVN, sử dụng các dịch vụ chủ yếu như thư điện tử, các phần mềm quản trị như FMIS, CMIS, phần mềm quản lý văn bản E-office", ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) mới đây tổ chức "Tuần lễ lưới điện thông minh Việt Nam". Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là GIZ, công nghệ phù hợp với lưới điện truyền tải Việt Nam trong ngắn hạn là dự báo năng lượng tái tạo, sử dụng hệ thống chuyển đổi inverter thông minh; hệ thống giám sát diện rộng, giám sát giới hạn nhiệt của đường dây; các thiết bị điều khiển hệ thống truyền tải. Còn trong trung và dài hạn cần ứng dụng mô hình nhà máy điện ảo, công nghệ điện cao áp một chiều (HVDC); hệ thống đánh giá an ninh động trực tuyến (DSA); tăng cường chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM).
Tiến sĩ Jonathan Horne, chuyên gia tư vấn về hệ thống điện thuộc Công ty Tư vấn hệ thống điện quốc tế (MPE) cho rằng, để giảm áp lực cho hệ thống điện, bên cạnh tăng cường điều chỉnh phụ tải điện, cần đẩy mạnh đầu tư thiết bị và sử dụng công nghệ mới để liên kết lưới điện thông minh có tích hợp nguồn năng lượng tái tạo…
Trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhất là điện gió và mặt trời, rất cần việc ứng dụng công nghệ dự báo năng lượng tái tạo đã được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Do đó, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, quốc gia có công nghệ tiên tiến và nội lực của EVN trong phát triển lưới điện thông minh là rất cần thiết nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.