Tiếp tục vệ sinh, khử trùng trên địa bàn thành phố
Đời sống - Ngày đăng : 19:15, 07/02/2020
Theo UBND quận Hà Đông, tính đến ngày 7-2, trên địa bàn quận đã thực hiện xong việc tổng vệ sinh các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các khu vực công cộng. Từ nay đến ngày 9-2, quận tiếp tục chỉ đạo các trường học thực hiện khử khuẩn, vệ sinh lần 2. Đặc biệt, UBND quận Hà Đông phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn như: Học viện Quân y, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông… để có các phương án phối hợp khi có tình huống dịch xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, trong ngày 7-2, quận hoàn thành phun khử khuẩn tại các địa điểm công cộng như: Bến xe Kim Mã và Bến xe buýt Long Biên, chợ Long Biên, trụ sở các cơ quan của quận... Đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, quận đang phối hợp lên lịch phun thuốc khử khuẩn trong thời gian sớm nhất.
“Việc khử khuẩn khu vực có các phòng trọ của sinh viên, người dân, bệnh nhân xung quanh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, quận giao các phường chủ động thực hiện, kết hợp tuyên truyền đến chủ phòng trọ và người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, bà Phạm Thị Diễm thông tin thêm.
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, theo ghi nhận thực tế, mặc dù đang trong thời gian học sinh nghỉ học, song Ban Giám hiệu, giáo viên và nhân viên vẫn đến trường để tổng vệ sinh toàn bộ khuôn viên trường; lau chùi phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi của trẻ... Các trường có bếp ăn bán trú tập trung vào việc khử trùng dụng cụ nấu nướng và chứa thực phẩm...
Trong ngày hôm nay, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng đường sắt Việt Nam tiến hành phun thuốc khử trùng trong và ngoài đoàn tàu Thống Nhất. Trước đó, vào ngày 6-2, Trung tâm cũng đã tiến hành phun khử trùng tại khu vực Ga Hà Nội và các đoàn tàu đỗ tại ga. Cùng với phun khử trùng, trước khi đoàn tàu xuất phát, nhân viên tổ tàu sẽ thực hiện vệ sinh toàn bộ bên trong toa xe bằng dung dịch khử khuẩn, nhất là tại các vị trí bề mặt dễ lây lan như ghế ngồi, móc treo hành lý…
Khắc phục vất vả để hoàn thành công việc với trách nhiệm cao nhất
Chiều muộn ngày 7-2, ông Cao Sơn Hà, người phụ trách xử lý phòng, chống dịch tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cùng các thành viên khác trong đội vẫn miệt mài phun dung dịch khử khuẩn Cloramin B tại trụ sở Báo Hànộimới (quận Hoàn Kiếm). Ông Hà cho biết, từ ngày 27-1 đến nay, hàng chục cán bộ, nhân viên của Trung tâm cùng nhân lực hỗ trợ thêm từ trạm y tế 18 phường liên tục làm việc hết công suất.
“Ngày nào kết thúc công việc thì cũng đã ngoài 9 giờ tối. Anh em rời cơ quan ra về với quần áo, đầu tóc ám nặng mùi Cloramin B. Lưng và vai thì đau nhức vì liên tục phải đeo máy phun nặng gần 40kg. Máy hoạt động phát ra tiếng ồn lớn nên đầu óc cũng mệt mỏi, căng thẳng...”, ông Hà kể.
Tuy nhiên, là người dày dặn kinh nghiệm tại Trung tâm, trải qua nhiều đợt phun phòng dịch tại thành phố, ông Hà hiểu rõ hơn ai hết sự cấp thiết phải phun Cloramin B trên diện rộng vào thời điểm này. Do đó, ông động viên anh em trong tổ, đặc biệt là những nhân viên trẻ, bằng sức lực và tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của mình để hoàn thành khối lượng công việc lớn.
Với các điểm phun có diện tích lớn như trường học hay cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn quận, nhóm đi phun gồm từ 6-10 người sẽ chia thành các nhánh nhỏ để bảo đảm tiến độ. Thông thường, cứ 3 người sẽ thay phiên nhau sử dụng một máy phun. Khi bình dung dịch Cloramin B 15 lít được pha loãng đã sử dụng hết, máy sẽ tạm nghỉ vài phút để lắp bình dung dịch mới. Người phun lúc này đã thấm mệt nên sẽ có người khác thay thế, bảo đảm máy liên tục vận hành.
“Khi đi phun ở nhiều tòa nhà cao 6-7 tầng, người phun phải vừa đeo máy nặng vừa leo thang bộ, lại trong trang phục bảo hộ rất bí, nóng nên càng thêm mệt. Ngày 6-2, cả tổ mất hơn 2 giờ đồng hồ, sử dụng 2kg bột Cloramin B mới phun hết toàn bộ chợ Đồng Xuân. Chợ rộng nhưng diện tích, lối đi lại chật hẹp nên phun thuốc khá vất vả... Tuy nhiên, vì là công việc phòng, chống dịch nên anh em chúng tôi động viên nhau khắc phục để làm thật tốt”, anh Nguyễn Công Hưng, nhân viên Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
Dù công việc nặng nhọc là vậy, nhưng chỉ cần sau một đêm nghỉ ngơi, bắt đầu từ 8h sáng mỗi ngày, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm lại sẵn sàng tư trang bảo hộ và làm bạn với các bình phun, tỏa đi khắp các cơ quan, công sở, trường học, thực hiện công việc lặng thầm của mình.