Các nhà hàng, quán ăn trước dịch bệnh do nCoV gây ra: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống
Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 08/02/2020
An toàn đặt lên hàng đầu
Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) nổi tiếng là khu phố náo nhiệt vào buổi tối, song mấy ngày gần đây khu phố này khá vắng vẻ. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới ngày 6-2 cho thấy, hàng loạt quán ăn, nhà hàng, quán cà phê, quầy bán đồ lưu niệm… tại phố này vẫn mở cửa nhưng khách đến ăn uống, mua sắm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chị Nguyễn Ngọc Thư, chủ nhà hàng Phúc Lâm, số 2 phố Tạ Hiện cho biết: “Hiểu rõ khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh do nCoV, nhiều khách hàng e ngại đến quán ăn để tránh những nơi đông người. Để tạo sự yên tâm cho khách và chủ động góp phần phòng chống dịch bệnh, nhà hàng đã yêu cầu tất cả nhân viên phải đeo khẩu trang, găng tay khi phục vụ. Tủ đựng thức ăn được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày, nguồn cung ứng thực phẩm đầu vào được kiểm tra kỹ càng hơn để luôn bảo đảm độ tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm… với phương châm an toàn phải được đặt lên hàng đầu”.
Tại các hàng quà như bún gánh, phở gánh, bánh rán, ốc luộc… trên các phố Báo Khánh, Nhà Thờ, Lò Sũ, Hàng Trống… trước đây luôn đông khách dù chỉ phục vụ vào buổi sáng hoặc chiều tối thì nay nhiều hàng tạm nghỉ do khách đến ăn giảm hẳn. Còn tại phố ẩm thực Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), ông Nguyễn Văn Bá, bếp trưởng hệ thống lẩu nấm Gia Khánh (số 18 phố Nguyễn Văn Lộc) cho biết, lượng khách đến ăn tại nhà hàng giảm tới 60%.
“Hầu hết khách hàng đều rất cẩn trọng trong phòng chống dịch. Theo quy định của các cơ quan chức năng, nhân viên nhà hàng đều đã đeo khẩu trang, yêu cầu đứng cách xa bàn ăn của khách khi phục vụ, phải xếp các bàn ăn cách nhau tối thiểu 2m để tránh nguy cơ lây bệnh nếu có…” - ông Nguyễn Văn Bá cho biết thêm.
Tại phố Duy Tân - tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát thuộc phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), hoạt động kinh doanh của các quán ăn, nhà hàng vẫn diễn ra bình thường. Đây là tuyến phố tập trung nhiều cơ quan, công sở, khách sạn... nên nhu cầu về ăn uống, đi lại rất lớn. Theo quy định, tất cả các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát trên tuyến phố đều được gắn biển ngay cửa ra vào, có bảng tin ghi rõ nguồn gốc, địa chỉ, số điện thoại nhà cung cấp.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, nhân viên quản lý quán Hoàng Bèo tại 30 phố Duy Tân cho biết, hệ thống mở liên tiếp 3 cơ sở tại số nhà 22, 30 và 40 trên cùng dãy phố. “Chúng tôi luôn thực hiện việc vệ sinh, khử khuẩn, đặc biệt với khu vực chế biến. Thực phẩm đều được để trong quầy kính để bảo đảm vệ sinh; tất cả nhân viên của quán đều đeo khẩu trang trong suốt quá trình chế biến, phục vụ khách. Nhờ vậy, lượng khách đến quán ăn mấy ngày qua tuy có giảm, nhưng khách yêu cầu ship hàng hoặc mua về ăn lại tăng đáng kể”, chị Nguyễn Hồng Hạnh chia sẻ.
Chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn thành phố có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trước yêu cầu phòng, chống dịch bệnh do nCoV, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe cho những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như hướng dẫn cách vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Tại các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức phát tờ rơi, hướng dẫn các nhà hàng, quán ăn cách vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh bề mặt đồ dùng, dụng cụ bằng dung dịch sát khuẩn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố cho biết, cùng với việc cả nước đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do nCoV thì Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị liên quan yêu cầu các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, thức ăn đường phố ngoài đáp ứng các điều kiện, quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần chủ động nhắc nhở nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang phòng bệnh. Tại cơ sở kinh doanh thực phẩm cần bố trí và có dụng cụ vệ sinh tay trước và sau khi ăn cho thực khách. Về phía khách hàng, bên cạnh việc đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không khạc nhổ nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi…
Thực tế, việc giảm mạnh lượng khách đến các nhà hàng, quán ăn cho thấy, người dân và du khách đã có ý thức cao, tuân thủ khuyến cáo hạn chế sinh hoạt nơi đông người, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh do nCoV gây ra. Tuy doanh thu của các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố sụt giảm, song đa số các nhà hàng chủ động, tích cực tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng, góp phần cùng toàn thành phố làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.