Những "chiến binh" trong vùng “tâm dịch” vi rút corona ở Vĩnh Phúc

Xã hội - Ngày đăng : 12:08, 08/02/2020

Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) đang theo dõi, cách ly nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp dương tính với vi rút corona. Trong “trận chiến” này, các bác sĩ, điều dưỡng luôn giữ được sự bình tĩnh, vững vàng, tạo niềm tin cho người bệnh và người dân nơi đây.

Khu vực cách ly của Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: PV.

Kíp trực 24/24 giờ

Những ngày này, bác sĩ Doãn Đức Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên bận rộn hơn nhiều lần so với ngày thường. Vừa sát sao theo dõi việc điều trị các trường hợp bị cách ly, nhất là có trường hợp dương tính với vi rút corona, bác sĩ còn tiếp đón các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh.

Có mặt trực tiếp tại trung tâm, chúng tôi có cuộc trao đổi chớp nhoáng với bác sĩ Doãn Đức Toàn. Bác sĩ Toàn cho biết, các trường hợp đang được các ly, điều trị tại trung tâm hiện có sức khỏe ổn định, không còn triệu chứng ho, sốt.

Bác sĩ Doãn Đức Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên.

“Chiều 6-2, hai trường hợp dương tính ở Vĩnh Phúc được Bộ Y tế công bố, song trung tâm vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh. Nhưng trường hợp này vẫn được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện” - bác sĩ Toàn chia sẻ. 

Nói về công tác chuẩn bị của trung tâm, bác sĩ Toàn cho hay, khi dịch bệnh xảy ra, trung tâm đã thành lập Ban Chỉ đạo và hai đội phản ứng nhanh, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ các nhà có người đi chuyến bay từ Vũ Hán về. Ngoài ra, những gia đình nằm trong bán kính 300m cũng được phun khử khuẩn.

“Trung tâm thiết lập khu cách ly với 60 giường bệnh, đảm bảo hoá chất, vật tư, thuốc… phòng chống dịch” - bác sĩ Toàn chia sẻ.

Được biết, hiện nay, tại trung tâm có một kíp 7 bác sĩ, 10 y tá trực tiếp điều trị những bệnh nhân bị cách ly, làm theo ca để trực 24/24 giờ.

Khu cách ly trong Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên.

“Chúng tôi hướng dẫn các nhân viên y tế quy trình đảm bảo tránh lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng trước khi họ về với gia đình. Tất cả những trường hợp làm việc ở khu cách ly đều được trang bị quần áo bảo hộ phòng, chống dịch theo đúng quy định. Khi ra khỏi khu cách ly, nhân viên y tế xử lý trang phục trong khi làm việc đúng quy trình; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn đã được cấp" - bác sĩ Toàn cho biết thêm.

Bác sĩ "căng mình"

Khoa Khoa Nội tổng hợp - Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên) là khoa trực tiếp điều trị bệnh nhân dương tính với vi rút corona.

Bác sĩ Lê Hồng Lâm - Phó Trưởng khoa phụ trách cho biết, với những kiến thức đã được học tại trường về phòng, chống dịch, bác sĩ và các nhân viên y tế không bị động, bất ngờ khi có những bệnh nhân có các triệu chứng nghi nhiễm vi rút corona nhập viện. Các nhân lực của khoa khác cũng hỗ trợ Khoa Nội tổng hợp - Truyền nhiễm.

Điều dưỡng Phạm Thị Hồng Nhung và bác sĩ Lê Hồng Lâm.

Bác sĩ Lâm cũng thông báo đầy đủ cho gia đình, người thân, hàng xóm tình hình thực tế để biết cách phòng chống bệnh dịch cũng như để họ yên tâm, thông cảm với công việc của các bác sĩ trong thời điểm dịch này.

Để bảo đảm công tác theo dõi những bệnh nhân cách ly, những ngày qua, mỗi bác sĩ kéo dài ca trực của mình thành 24 giờ. Chị Phạm Thị Hồng Nhung (Khoa Nội tổng hợp  - Truyền nhiễm) là một trong những điều dưỡng trực tiếp điều trị bệnh nhân dương tính vi rút corona. Dáng người nhỏ nhắn trong bộ blouse trắng, mũ ni lông và khẩu trang, điều dưỡng Nhung để lộ ra đôi mắt kiên định.

Chị Phạm Thị Hồng Nhung là một trong những điều dưỡng trực tiếp điều trị bệnh nhân dương tính vi rút corona. 

“Trong 6 năm làm việc tại trung tâm, chưa có quãng thời gian nào vất vả như tuần qua khi tôi cùng các nhân viên y tế khác trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị cách ly" - chị Nhung chia sẻ.

Với những kiến thức được trang bị trong nhà trường về phòng, chống dịch cùng những buổi tập huấn của Bộ Y tế, các bệnh viện hàng đầu, chị Nhung cũng như những nhân viên y tế khác tại trung tâm không hề lo lắng trong quá trình theo dõi, điều trị cho bệnh nhân.

Một ca trực 24 giờ, không được về nhà, nên thời gian này, chị gửi hai cháu sang ông bà nhờ chăm sóc. Có được sự hỗ trợ, cảm thông của hậu phương là gia đình, chị cùng những bác sĩ nơi đây vững tin, kiên trì theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân.

Theo Báo Lao động