Bảo hiểm xã hội Hà Nội: Nhiều giải pháp thu hút người tham gia

Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 08/02/2020

(HNM) - Mở rộng đối tượng tham gia chính sách bảo hiểm là mục tiêu xuyên suốt của ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội thời gian qua. Để hoàn thành mục tiêu này, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, hệ thống Bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ; chú trọng triển khai nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia.

Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Ảnh: Giang Sơn

Mở rộng đối tượng tham gia

Hà Nội là địa phương có số người tham gia và hưởng chính sách bảo hiểm nhiều nhất cả nước. Đến cuối năm 2019, toàn thành phố có gần 7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ gần 90% dân số tham gia; gần 3,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, đạt 100% chỉ tiêu được giao.

Việc mở rộng đối tượng tham gia chính sách bảo hiểm đã, đang góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững trên địa bàn Thủ đô. Chị Đặng Thị Hương, tổ dân phố 26, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cho biết: “Tham gia bảo hiểm y tế từ năm 2019 giúp tôi giảm đi nhiều nỗi lo. Trong trường hợp không may gặp rủi ro, phải đi khám và điều trị bệnh, tôi sẽ được bảo hiểm y tế chi trả một phần”. Còn anh Vũ Văn Đăng, thôn Vật Lại 2, xã Vật Lại (huyện Ba Vì) cho hay: “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là giá đỡ giúp cuộc sống của tôi không bị xáo trộn. Bởi ngay khi bị mất việc làm, tôi được hỗ trợ học nghề sửa chữa xe máy miễn phí vào năm 2019. Có nghề trong tay, tôi đã trở lại thị trường lao động”.

Cùng với công tác phát triển đối tượng, việc tăng thu, giảm nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đạt kết khả quan. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, năm 2019, tổng thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp toàn thành phố đạt hơn 43.000 tỷ đồng, tăng 11,7%; tỷ lệ nợ bảo hiểm bằng 1,96% kế hoạch thu, giảm 0,55% so với năm 2018, thấp nhất trong những năm gần đây.

Tính ưu việt của chính sách bảo hiểm đã được khẳng định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn thành phố còn hơn 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế; còn 10% người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia chưa tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không đáng kể, hiện mới có khoảng 40.000 người… Nguyên nhân là vì việc triển khai chính sách bảo hiểm ở một số địa phương, đơn vị chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa “phủ sóng” đến mọi đối tượng. Một số đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực thi chính sách bảo hiểm…

Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm; đồng thời không để người dân nào bị “lọt lưới” an sinh xã hội, ngày 7-1-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND về “Thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020 trên địa bàn thành phố”. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu trong năm 2020 sẽ tăng 30% đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1% dân số; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đạt 95% số người thuộc diện tham gia...

Để hoàn thành những mục tiêu nêu trên, ông Nguyễn Thiện Khoa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Chương Mỹ cho biết, ngay từ đầu năm, các cơ quan chức năng của huyện đẩy mạnh rà soát các cơ sở kinh doanh có sử dụng lao động trên địa bàn, làm cơ sở cho việc khai thác, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Cũng hướng tới việc thu hút số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, huyện Ứng Hòa đã tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền; đồng thời tổ chức hội nghị tại cấp cơ sở để giải thích cho người dân thấy rõ hơn những lợi ích của chính sách. Theo bà Lê Thị Minh Ngát, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ứng Hòa, công tác tuyên truyền vận động người dân theo cách “đến từng nhà, gặp từng người” là giải pháp khả thi để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bằng cách này, huyện Ứng Hòa có gần 1.000 người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội.  

Ở cấp cơ sở, ông Đào Trường Quảng, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nhấn mạnh, việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội vào đời sống là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên tinh thần đó, phường Nghĩa Đô sẽ tăng cường vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình…

Về phần mình, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020, để thu hút thêm người tham gia bảo hiểm, hệ thống bảo hiểm trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai dịch vụ công mức độ 4; mở rộng kết nối liên thông với các ngân hàng, kho bạc trong công tác thu - nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp. Công tác giám định điện tử, thanh toán và kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế qua hệ thống thông tin giám định cũng sẽ được ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế phối hợp chặt chẽ, triển khai bài bản…

Đặc biệt, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách theo từng nhóm đối tượng; tăng cường đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp và người lao động, giúp các bên hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình; hoàn thành mục tiêu trong năm 2020 sẽ tăng 30% đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thu Hiền