Chỉ thị số 35-CT/TƯ về đại hội đảng bộ các cấp

Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 09/02/2020

(HNM) - Ngày 30-5-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Đây là văn bản có một số điểm mới quan trọng đối với công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Báo Hànộimới xin giới thiệu một số điểm chính của Chỉ thị.

4 nội dung đại hội

Chỉ thị số 35-CT/TƯ gồm 6 yêu cầu, 6 nội dung và 5 chỉ đạo tổ chức thực hiện và 2 phụ lục về tiêu chuẩn cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và độ tuổi cấp ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong đó, 6 nội dung Chỉ thị đi vào từng vấn đề cần thiết để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp như: Nội dung đại hội; chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận; chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy; cơ cấu, số lượng và việc bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên; thời gian tiến hành đại hội và việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau đại hội.

Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước. Bộ Chính trị yêu cầu, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, trước hết là người đứng đầu; bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Thông qua đại hội đảng bộ các cấp, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Theo Chỉ thị, đại hội đảng bộ các cấp thực hiện 4 nội dung, gồm: Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Tuy nhiên, những nơi có khó khăn liên quan đến công tác nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý thì tiến hành đại hội với 3 nội dung, chưa bầu cấp ủy khóa mới.

Về thời gian tiến hành, đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở không quá 2 ngày; bắt đầu từ tháng 4-2020, hoàn thành trước ngày 30-6-2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày; hoàn thành trước ngày 31-8-2020. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31-10-2020. Thời gian họp trù bị đại hội cấp huyện và tương đương trở lên không quá 1/2 ngày. Thời gian tổ chức đại hội điểm đối với đảng bộ cấp cơ sở vào đầu quý I-2020; cấp huyện và tương đương vào đầu quý II-2020; đối với đảng bộ trực thuộc Trung ương vào đầu quý III-2020.

Kế thừa và đổi mới

Theo Ban Tổ chức Trung ương, Chỉ thị số 35-CT/TƯ kế thừa những nội dung còn phù hợp trong Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp tục phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên; thực hiện chủ trương cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên, mỗi nhiệm kỳ và thực hiện cơ cấu ba độ tuổi, trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và phấn đấu ba độ tuổi trong thường trực cấp ủy; tiếp tục thực hiện mô hình bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch HĐND; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 35-CT/TƯ có một số nội dung mới so với Chỉ thị 36-CT/TƯ. Đáng chú ý, Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Thực hiện chủ trương thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao...

Cơ cấu, số lượng đại biểu đại hội đảng bộ các cấp thực hiện theo hướng giữ nguyên số lượng đại biểu ở khối địa phương như một số nhiệm kỳ gần đây; đồng thời, đổi mới cách phân bổ để bảo đảm thành phần, cơ cấu, giới tính, dân tộc hợp lý; tăng số lượng đại biểu ở các ngành, lĩnh vực quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phản biện, đóng góp ý kiến khi quyết định những chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và địa phương.

Chỉ thị 35-CT/TƯ cũng kế thừa, có bổ sung một số nội dung so với Chỉ thị 36-CT/TƯ. Nổi bật là thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện, so với số lượng tối đa, đã được Trung ương xác định ở nhiệm kỳ 2015-2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII). Về quy trình nhân sự, Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện theo Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; hướng dẫn của cấp ủy có thẩm quyền và được cụ thể hóa, để xây dựng quy trình mới, đối với 2 đối tượng: Nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy và nhân sự tái cử cấp ủy. Ngoài ra, không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy.

Quốc Bình