Bệnh viện dã chiến thành phố Hồ Chí Minh hoạt động
Đời sống - Ngày đăng : 15:34, 10/02/2020
Ngành Y tế đi đầu
Sáng 10-2, bệnh viện dã chiến đầu tiên chống nCoV tại thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, sau 5 ngày triển khai và sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch ban đầu. Bệnh viện được đặt tại huyện Củ Chi, quy mô 300 giường, có đầy đủ trang thiết bị và nhân lực, sẵn sàng nhận và điều trị các ca nhiễm bệnh và cách ly các ca nghi nhiễm trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, khác với các khu cách ly ở cấp phường, xã, quận, huyện, bệnh viện dã chiến sẽ vừa cách ly, vừa điều trị. “Chúng tôi cũng đã sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến thứ 2, quy mô 200 giường tại huyện Nhà Bè khi cần thiết”, ông Tăng Chí Thượng nói.
Thống kê mới nhất từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại thành phố đã xác định 3 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 1 trường hợp đã khỏi bệnh; 27 trường hợp nghi ngờ đã cho kết quả âm tính. Các bệnh viện trên địa bàn cũng đã theo dõi 39 trường hợp có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, trong đó 11 ca đã kết thúc theo dõi, 18 ca đang được cách ly tập trung và 10 trường hợp cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết để chủ động và đẩy nhanh thời gian xét nghiệm những ca nghi ngờ nhiễm nCoV, thành phố đã đề nghị Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được thực nghiệm xét nghiệm, thay vì phải chuyển sang Viện Pasteur thành phố.
Các cấp, các ngành quyết liệt vào cuộc
Các biện pháp ứng phó với nCoV liên tục được các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh triển khai. Ngày 6-2, UBND thành phố ban hành Công văn số 404/UBND-VX về việc phòng chống dịch bệnh; ngày 7-2, Sở Y tế thành phố ban hành Công văn số 555/SYT-NVY về hướng dẫn tổ chức cách ly phòng chống nCoV. Ngay sau đó, các quận, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn của mình.
Điển hình như quận 7, ngay trong ngày 9-2, đã thành lập khu vực cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của quận tại số 2 đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Tân Phú. Đây là khu cách ly 14 ngày cho những trường hợp nghi nhiễm hoặc những người từ địa bàn dịch đến quận 7.
Các phòng chức năng tại khu vực cách ly tập trung này được trang bị quạt, nước uống nóng - lạnh, giường nệm, chăn màn và phủ sóng wifi toàn khu vực. Những người đến cách ly được bố trí ăn 3 bữa/ngày.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết khu cách ly tập trung này dành cả cho người Việt và người nước ngoài.
Xây dựng kế hoạch cung cấp miễn phí sản phẩm, thực phẩm Sáng 10-2, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và sữa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với nCoV. Sở Công Thương là đầu mối đôn đốc các ngành, các cấp chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I-2019 tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, các doanh nghiệp sẽ tổ chức cung cấp miễn phí các sản phẩm, thực phẩm thiết yếu cho người dân”. Cụ thể, ở nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, thành phố Hồ Chí Minh sẽ dự trữ lương thực 3.319,9 tấn/tháng và 9.959,8 tấn/3 tháng; trứng gia cầm 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng; rau củ quả 6.409 tấn/tháng và 19.227 tấn/3 tháng; thịt gia súc: 2.224,7 tấn/tháng và 15.674,1 tấn/3 tháng; thịt gia cầm: 11.780,6 tấn/tháng và 35.341,8 tấn/3 tháng… Đối với mặt hàng sữa, thành phố sẽ dự trữ sữa bột dành cho trẻ em 71 tấn/tháng và 212,9 tấn/3 tháng; sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường): 75 tấn/tháng và 225 tấn/3 tháng; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai 11,7 tấn/tháng và 35,1 tấn/3 tháng; sữa nước 130.051,17 lít/tháng và 390.153,5 lít/3 tháng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, không để người mắc bệnh tử vong trên địa bàn; bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động mọi phương án chống dịch. |