Sẽ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho khẩu trang vải kháng khuẩn
Đời sống - Ngày đăng : 18:58, 10/02/2020
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 9-2, tổng số 41 đơn vị đã sản xuất khẩu trang y tế. Qua báo cáo của 32 đơn vị về năng lực sản xuất dự kiến khẩu trang y tế 3 lớp là 2,6 triệu chiếc/ngày (nếu tăng hết công suất thì sản xuất được 3 triệu chiếc/ngày). Ngoài ra, với khẩu trang N95 sản xuất 46.000 chiếc/ngày.
Với khẩu trang vải, theo số liệu của Bộ Công Thương, số lượng đơn vị sản xuất khẩu trang vải (gồm vải thường và vải kháng khuẩn) có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam có thể tham gia sản xuất khi có lệnh.
Trước nhu cầu gia tăng của thị trường khẩu trang y tế phòng chống dịch bệnh, tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến nâng cao năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex), để đáp ứng nhu cầu của thị trường, khoảng 4 tuần tới, công ty sẽ nâng cao năng suất, có thể cung ứng từ 8-10 triệu khẩu trang vải ra thị trường và phục vụ nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang cho các doanh nghiệp khác. Khẩu trang vải có lớp kháng khuẩn có thể tái sử dụng được sau 30 lần giặt.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn về quy trình sản xuất, quy cách, tiêu chuẩn của khẩu trang vải như thế nào là hữu dụng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh do nCoV gây ra. Các doanh nghiệp mong muốn, Bộ Y tế nên có hướng dẫn cụ thể về khẩu trang kháng khuẩn 3 lớp, gồm lớp vải, lớp kháng khuẩn và lớp chống thấm.
Đánh giá về thị trường sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng: "Năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của nước ta hiện nay là rất lớn. Trước đây, với khẩu trang vải thông thường khi sản xuất ra thị trường không cần tiêu chuẩn chất lượng. Thế nhưng, với khẩu trang vải kháng khuẩn để phòng chống dịch bệnh lại khác. Chúng ta cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại khẩu trang này trước khi đưa ra thị trường".
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để ngăn đường lây truyền của nCoV từ những giọt bắn nước bọt của người bệnh chỉ cần sử dụng khăn giấy, khăn tay hoặc che miệng khi ho, hắt hơi. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, nếu sản xuất loại khẩu trang vải kháng khuẩn có lớp chống thấm, lớp kháng khuẩn sẽ giúp phòng chống dịch bệnh.
"Khi chúng ta đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại khẩu trang vải kháng khuẩn, nếu doanh nghiệp cung ứng ra thị trường không bảo đảm các tiêu chuẩn đề ra, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, tránh trường hợp đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, nhu cầu thị trường khẩu trang y tế đang gia tăng. Nếu chỉ cần khoảng 30 triệu dân sử dụng khẩu trang y tế thì một ngày sẽ thải ra môi trường một lượng khẩu trang rất lớn. Điều này là không cần thiết và sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường. Bởi vì không phải ở đâu cũng cần phải sử dụng khẩu trang y tế. Người dân chỉ sử dụng khẩu trang y tế khi đi vào bệnh viện, những khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Còn khi đi trên đường, ở khu vực công cộng... có thể sử dụng khẩu trang vải.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường giao cho Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho khẩu trang vải kháng khuẩn. Trước khi doanh nghiệp đưa loại khẩu trang này ra thị trường tiêu thụ, các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng.
"Dù thời điểm này, giá thành nguyên liệu đầu vào sản xuất khẩu trang cao hơn bình thường nhưng doanh nghiệp chỉ được tăng giá một chút để bù lỗ và duy trì sản xuất, chứ không được cố tình đẩy giá cao hơn giá trị thực từ 2-3 lần, ảnh hưởng đến người dân, ảnh hưởng đến công tác chống dịch", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.