Xây dựng chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Chính trị - Ngày đăng : 08:56, 12/02/2020

(HNMO) - Sáng 12-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành và địa phương...

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. 

Tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 được ban hành, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn nhà nước và tư nhân đều chung tay tham gia xây dựng chính quyền điện tử. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá trong thời gian qua đã có những cách làm tốt để nhân rộng; nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền và người dân cùng vào cuộc.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần đề ra nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng chính phủ điện tử của Việt Nam trong năm 2020.

“Chúng ta đang phát triển tốt, nhưng vẫn cần khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm. Phải thực hiện tốt cả về hình thức và hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong việc tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona gây ra, nếu làm tốt, chính phủ điện tử cũng là một trong những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh này.

Tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính

Thông tin về triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gấp đôi (từ 4,5% lên hơn 10%); 100% bộ, ngành và địa phương đã kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; 86,5% văn bản điện tử đã trao đổi qua mạng; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng 9 lần…

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, lần đầu tiên đã liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh tại cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế tại cấp huyện; khai trương bản đồ Vmap và Cổng dịch vụ công quốc gia… 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra một số tồn tại như: Chưa xây dựng được một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng về dân cư và đất đai; hơn 70% bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, thanh toán điện tử cho dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 vẫn còn thấp…

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến 2025, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần hoàn thiện các thể chế về xây dựng chính phủ điện tử. Để hoàn thiện các nền tảng của chính phủ điện tử, 100% bộ, ngành, địa phương phải có nền tảng chia sẻ dữ liệu, được kết nối với nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia; xây dựng Trung tâm Giám sát quốc gia về chính phủ điện tử; thương mại hóa mạng 5G; xây dựng nền tảng di động để người dân, doanh nghiệp thông qua một ứng dụng duy nhất truy cập mọi dịch vụ chính phủ điện tử…

Báo cáo về một số kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn kết với xây dựng chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ coi người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ thông qua thiết lập và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia.

Văn phòng Chính phủ đã nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới Chính phủ không giấy thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó đã thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua trục liên thông văn bản quốc gia, qua đó tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính…

Văn phòng Chính phủ cũng đưa hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào khai thác, sử dụng; triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia…

Đổi mới con người để nắm bắt công nghệ mới

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, xây dựng chính phủ điện tử, công nghệ thông tin phải gắn với cải cách hành chính bởi trước khi hoàn thiện dịch vụ công thì phải xử lý được hồ sơ công việc hành chính. Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới cần giải quyết đồng bộ các vấn đề pháp lý trong quá trình công nhận các văn bản, chữ ký số...

Đồng chí Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề thanh toán điện tử, đồng thời đề ra mô hình liên thông, theo hướng tất cả các dữ liệu của các bộ, ngành là dữ liệu chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được chỉ định phân quyền sử dụng. Đồng thời, người sản xuất, cung cấp dịch vụ công phải chịu trách nhiệm về công tác an ninh...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực vượt bậc, có nhiều cách làm mới, sáng tạo của các bộ, ngành về những thành tựu xây dựng chính phủ điện tử trong thời gian qua, qua đó đã đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh về vấn đề đổi mới công nghệ, Thủ tướng cho rằng cần đổi mới trước hết là về con người, về thể chế sau đó mới đến công nghệ.

Cho rằng khả năng đột phá trong xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam rất cao, vượt trên các quốc gia khác, song, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận một số tồn tại hạn chế đã được nêu trong hội nghị để khắc phục trong thời gian tới.

Đề cập về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng chính phủ điện tử. Các cơ quan cần tập trung hoàn thiện thể chế bởi đây là khâu quan trọng, luôn phải đi trước để hình thành chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thiện các yếu tố nền tảng của chính phủ điện tử, các bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn tài chính cần thiết cho công tác xây dựng chính phủ điện tử. “Các bộ, ngành, địa phương lưu ý công tác phòng, chống tham nhũng trong công tác xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ vai trò người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng chính phủ điện tử. Các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành thì phải do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, tuyệt đối không để một việc có hai cơ quan điều phối sẽ gây ra sự chồng chéo, lãng phí, không hiệu quả. “Xây dựng chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm biên chế, tiết kiệm chi phí”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm Giám sát quốc gia về chính phủ điện tử, đồng thời chú ý công tác đào tạo nguồn lực, cán bộ về công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ có khả năng trong nước tham gia xây dựng chính phủ điện tử.

Tiến Thành