Đồng chí Nguyễn Đức Chung chủ trì họp Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử thành phố
Chính trị - Ngày đăng : 14:56, 12/02/2020
Dự họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các sở, ngành.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, năm 2019, các hệ thống thông tin, dữ liệu cốt lõi tiếp tục được thành phố duy trì, khai thác hiệu quả. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được các sở, ngành tiếp tục triển khai thực hiện. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, cấp giấy phép đầu tư qua mạng đạt 73%.
Thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp năm 2019 đạt trên 85%; mở rộng triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động…
Bên cạnh đó, 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước thành phố được thực hiện trên môi trường mạng.
Thành phố cũng tiếp tục duy trì hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của thành phố. Tính đến hết năm 2019, tổng số thủ tục hành chính đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.448/1.818 thủ tục. Năm 2019, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố là hơn 2,4 triệu hồ sơ.
Hà Nội cũng là một trong ba tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đi đầu triển khai tích hợp 14 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thành phố cũng thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực với 59 lớp, 1.500 học viên; tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin với cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”…
Kế hoạch năm 2020, Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử thành phố sẽ hoàn thành các chỉ tiêu thuộc “Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; đồng thời, hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử thành phố nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sẽ hình thành một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh hướng tới xây dựng thành phố Hà Nội thông minh, bền vững; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng; phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung trọng tâm của thành phố.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố đã báo cáo về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong đơn vị và nêu ý kiến đóng góp cho quá trình xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, trong năm qua, thành phố đã tạo ra nền tảng bước đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ cải cách hành chính. Đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị, địa phương nâng cao trách nhiệm, tăng tốc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong thực hiện công tác xây dựng chính quyền điện tử.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hoàn thiện hồ sơ đấu thầu thuê đường truyền, máy chủ, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ ngay kinh phí đầu tư công nghệ thông tin trong tháng 2-2020; khẩn trương xây dựng khung kiến trúc điện tử 2.0; rà soát tất cả cán bộ vừa trúng tuyển viên chức để đưa đi đào tạo công nghệ thông tin đạt trình độ C trở lên.
“Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chuyên ngành, có nhiệm vụ thẩm định các dự án về công nghệ thông tin của thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Văn phòng UBND thành phố triển khai Trung tâm Kiểm soát, bảo đảm an toàn mạng của thành phố; hoàn thành tư vấn, thi công Trung tâm Điều hành giao thông thông minh; liên hệ mời chuyên gia đánh giá về tiêu chuẩn xây dựng chính quyền điện tử của thành phố.
UBND các quận sớm làm thủ tục đấu thầu việc lắp đặt camera, tối thiểu trong năm nay phải lắp đặt khoảng 15.000 - 17.000 camera, đồng thời tiếp tục hoàn thiện và thí điểm triển khai các ki ốt dịch vụ công ngay tại các tòa nhà chung cư.
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao trách nhiệm cho các sở, ngành trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với tình hình đơn vị.
Trong đó, Cục Thuế Hà Nội khẩn trương cập nhật lắp đặt hệ thống hóa đơn điện tử và nộp thuế qua mạng. Công an thành phố đôn đốc các đơn vị thường xuyên cập nhật dữ liệu về dân cư. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng công tác thí điểm chương trình học theo hình thức 3D, thực tế ảo và đôn đốc các trường cập nhật dữ liệu về điểm số, hạnh kiểm của học sinh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu hỗ trợ các đơn vị hỏa táng trên địa bàn, đồng thời quản lý, giám định bảo hiểm thất nghiệp. Sở Y tế đôn đốc các bệnh viện lắp đặt các đường truyền giám định bảo hiểm y tế, cập nhật dữ liệu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Sở Công Thương đẩy nhanh việc cung cấp tất cả dịch vụ công ở mức độ 4, thanh toán điện tử ngay trong quý I-2020.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông sắp xếp lại cơ sở số 1 phố Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân), tham mưu UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy chuyển cơ sở này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tất cả các đơn vị kiểm tra, rà soát, báo cáo thành phố về việc công khai các dịch vụ công của thành phố để tuyên truyền cho người dân được biết và sử dụng.
“Các giải pháp về công nghệ thông tin là nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực quản trị và giảm chi phí cho xã hội, cho người dân và doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.