Du lịch Thủ đô nỗ lực chống sụt giảm

Du lịch - Ngày đăng : 06:27, 13/02/2020

(HNM) - Ngành Du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (trước đây gọi là nCoV, nay được gọi là Covid-19) gây ra, hiệu quả hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển…  đồng loạt sụt giảm. Trước thách thức lớn đang phải đối diện, các đơn vị kinh doanh du lịch của Hà Nội đã cùng nhau tìm giải pháp để vượt qua khó khăn, ổn định thị trường và tìm hướng phát triển ổn định, bứt phá khi hết dịch.

Nhân viên công ty lữ hành phát khẩu trang cho du khách trước cổng đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm).

Bình tĩnh ứng phó

Khi dịch bệnh do vi rút Covid-19 lan tới Việt Nam, ngành Du lịch là một trong những ngành chịu nhiều tác động trực tiếp. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, ở nhiều địa phương, lượng khách giảm khoảng 20-30%, thậm chí có nơi giảm tới 60-70%.

Du lịch Hà Nội không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải thông tin, tính đến ngày 10-2, hoạt động của các đơn vị vận chuyển và số lượng khách tới các điểm đến giảm khoảng 30-50%. “Những tác động mà ngành Du lịch Thủ đô phải hứng chịu có thể còn tăng, khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn. Thời điểm này, ngành Du lịch Thủ đô đang bình tĩnh, kiên trì thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là phòng, chống dịch bệnh, rồi tìm hướng ổn định thị trường và tiến hành những bước đi tiếp theo. Sự chung tay, chia sẻ khó khăn của các đơn vị lúc này là rất cần thiết”, ông Trần Đức Hải bày tỏ.

Thực tế, từ đầu tháng 2, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, quản lý điểm đến tại Hà Nội và trên cả nước đã cùng nhau chia sẻ khó khăn, “hiến kế” giúp ngành Du lịch vượt qua thử thách. Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận chuyển đường bộ Minh Việt Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ chi phí khi các công ty lữ hành phải hủy tour. Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Chi nhánh khu vực miền Bắc cũng đồng ý cho các công ty du lịch hoàn trả 100% đối với những vé đã xuất trước ngày 1-2 và các đoàn khởi hành đến ngày 14-2, ưu tiên những đoàn dự kiến đến Trung Quốc.

Về phía đơn vị tổ chức tour, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các đơn vị lữ hành, lưu trú cần bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh, chia sẻ những cách làm hay để thu hút du khách. Trong khi đó, bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc kinh doanh Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội chia sẻ: “Một trong những giải pháp để du khách yên tâm lưu lại Hà Nội là việc các cơ sở lưu trú tích cực thực hiện phương án phòng, chống dịch bệnh, như nhiều khách sạn tại Hà Nội đã tiến hành khử khuẩn, tăng cường vệ sinh môi trường trong những ngày gần đây”.

Trước khó khăn chung, từ ngày 4-2, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã tổ chức phát hơn 100.000 khẩu trang miễn phí tại nhiều điểm di tích của Hà Nội, như đền Ngọc Sơn, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, chợ Đồng Xuân… Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho hay: “Những người làm du lịch đang chung tay xây dựng hình ảnh Thủ đô thân thiện, mến khách trong mọi tình huống. Chúng tôi muốn du khách thấy an toàn, yên tâm khi khám phá Hà Nội”.

Hiện nay, nhiều điểm đến của Hà Nội đã tiến hành khử khuẩn, phát khẩu trang miễn phí và cung cấp dung dịch sát khuẩn tay cho khách tới tham quan. Điều này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho du khách. “Các bạn đang phòng, chống dịch bệnh rất chủ động, ứng xử thân thiện với khách du lịch. Chúng tôi thấy rất thoải mái và không lo lắng gì”, bà Jessica Simpson, một du khách Mỹ phát biểu khi tham quan Hà Nội trong dịp này.

Nhân viên của Di tích nhà tù Hỏa Lò tiến hành đo thân nhiệt du khách nước ngoài vào tham quan. Ảnh: Quang Thái

Tìm hướng đi mới

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Du lịch vẫn tìm ra được hướng đi mới để ổn định thị trường khách. Số liệu mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong số gần 16.000 khách quốc tế hủy tour, thì có đến hơn 13.000 khách đến từ Trung Quốc; trong số hơn 15.000 khách Việt Nam hủy tour đi nước ngoài, có hơn 8.700 khách đi Trung Quốc. Lượng khách từ các thị trường khác thuộc châu Âu, Mỹ, Australia và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore… chỉ giảm nhẹ. Đây chính là cơ sở để ngành Du lịch Hà Nội điều chỉnh chính sách, tìm hướng khai thác và mở rộng các thị trường giàu tiềm năng. Tổng công ty Hàng không Việt Nam thông tin, đơn vị này đang cùng các công ty lữ hành của Hà Nội xây dựng những tour, tuyến mới để kích cầu du lịch.

Chia sẻ về hướng thúc đẩy thị trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan cho biết, công ty đang xây dựng chính sách giảm giá với những tour nội địa và sẽ giới thiệu trong thời gian tới. Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt nhận định, Hà Nội có lợi thế là đến nay chưa có trường hợp nào bị nhiễm Covid-19, cơ bản vẫn đang là điểm đến an toàn với du khách. Trước mắt, Công ty Du lịch AZA tập trung phát triển thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về Hà Nội - điểm đến an toàn cho du khách bằng nhiều hình thức, nhằm thu hút nguồn khách nước ngoài đến Thủ đô. Trong khi đó, bà Hoàng Anh, đại diện Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, chiến lược mới của công ty là hướng sang những thị trường xa hơn như: Trung Đông, Australia, Nam Phi…

Còn theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, ngành Du lịch Thủ đô đã và đang chuẩn bị kế hoạch, xác định tâm thế hành động tích cực, nhằm khôi phục thị trường ngay khi hết dịch bệnh. “Thời gian tới, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, Sở đã đề nghị các đơn vị lữ hành, lưu trú, quản lý điểm đến nâng cao chất lượng phục vụ, chủ động xây dựng những gói sản phẩm đặc trưng để đáp ứng nhu cầu của du khách, hồi phục thị trường nhanh nhất có thể”, ông Trần Đức Hải nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, để khôi phục thị trường du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét miễn lệ phí, đơn giản hóa thủ tục về visa cho du khách. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch đề xuất các đơn vị, địa phương giảm giá, miễn phí vé tham quan trong 1 đến 2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch.

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam trên mạng xã hội, các kênh truyền thông quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch, an ninh, y tế tới du khách trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng khẳng định.

Hoàng Lân