Cả nước đã tiêu hủy 43.202 con gia cầm nhiễm vi rút cúm A/H5N6
Nông nghiệp - Ngày đăng : 12:37, 13/02/2020
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Cục Thú y nhận định, chủng vi rút cúm A/H5N6, được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hằng năm vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do vi rút này.
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do tổng đàn gia cầm cả nước rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin cúm cho đàn gia cầm tại một số địa phương còn thấp, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và các loại bệnh trên đàn gia súc kịp thời, hiệu quả, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các bộ, ngành cùng chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định của Luật Thú y. Các địa phương hướng dẫn người dân tái đàn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phù hợp nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu; tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm.
Các địa phương chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo dịch bệnh kịp thời. Đặc biệt, các địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y để giám sát dịch bệnh tới từng thôn xóm.
Các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm gia cầm, các loại bệnh trên động vật, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Cùng với đó, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, động vật khác; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh...