Câu chuyện cảnh giác
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:38, 14/02/2020
Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, báo chí và mạng xã hội liên tục thông tin về dịch bệnh do vi rút Covid-19, đưa ra cảnh báo, cách phòng chống dịch, chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. Tin trong nước, tin dẫn nguồn từ nước ngoài, tin truyền miệng, tin do một số cá nhân “tự sản xuất” dựa trên trí tưởng tượng... “Ê hề” đấy nhưng như ma trận, chỉ mỗi việc sàng lọc để có thể tiếp nhận thông tin “đúng, trúng, cần” đã khá mệt mỏi, tốn thời gian.
Đói thì phải ăn, khát thì phải uống. Quan tâm đến tình hình dịch bệnh nguy hiểm thì phải đọc. Vấn đề là chọn đọc những gì, thái độ tiếp nhận ra sao?
Vài ngày trước, một người quen gặp, nói với người viết rằng “ông nghe gì chưa, bên Long Biên có gia đình mấy người nhiễm vi rút corona rồi đấy”. Một người khác nhắn nhủ rằng “có khi phải mua lương thực dần thôi, tình hình thế này thì chả biết thế nào mà lần, cứ phòng thân chú ạ”... Hóa ra, đó đều là tin giả hoặc có nguồn gốc từ tin đồn, cũng có khi là sự suy luận thái quá xuất phát từ cách đưa tin “vô ý” trên báo chí, kiểu như giữa mùa dịch mà các kệ hàng trong siêu thị X trống trơn. Hậu quả từ dạng tin “cháy hàng” trong siêu thị là sự hình thành xu hướng ứng xử không phù hợp của một số người - mua hàng hóa tích trữ, rõ ràng là bài học cảnh giác cho cả phía truyền tin và người nhận tin.
Sàng lọc thông tin để loại khỏi đầu những dòng tin giả, tin không chính xác nhằm tránh hệ lụy về ứng xử liên quan tới phòng, chống dịch bệnh là điều không đơn giản, bởi hiện nay loại tin đó xuất hiện hằng ngày, và càng ngày càng được soạn công phu, có khi “y như thật”. Một thanh niên chỉ vì muốn tăng lượng tương tác qua mạng xã hội mà bịa chuyện có người nhiễm Covid-19 ở một nơi thuộc tỉnh Bắc Ninh, không quên “dự báo” địa bàn đó có thể trở thành ổ dịch. Hàng trăm người đã chia sẻ tin này, trong số đó một phụ nữ không những chia sẻ tin giả mà còn thêm “mắm muối” nhằm thu hút sự chú ý, tiện cho việc bán hàng online. Nhiều người khác ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Kiên Giang... cũng đã tung tin giả về dịch bệnh, thậm chí có người còn “công bố” phương pháp chữa bệnh do vi rút Covid-19 gây ra bằng cách sử dụng một loại thuốc gây nghiện...
Chưa thể thống kê đầy đủ về số trường hợp tung tin giả, đưa tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh hoặc sử dụng cách thông tin “ỡm ờ” nhằm câu view, chỉ biết rằng hậu quả từ tin giả là không đơn giản. Trong những ngày vừa qua, dễ thấy nhất là tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức do tin đồn, tin giả. Một đồn mười, mười đồn trăm, thông tin về một ai đó được cách ly để giám sát, đề phòng khả năng nhiễm vi rút corona do vừa trở về từ quốc gia có dịch bỗng chốc trở thành tin ông X, bà Y “đã bị bệnh”. Từ đó mới có chuyện bỏ việc đưa con cái về quê “lánh nạn” chỉ bởi “nghe nói” gần nhà có người bị nhiễm vi rút rồi. Đó là chưa kể cách đưa tin - nói quá nhằm câu view, lan truyền tin đồn vô lý một cách thiếu suy xét có thể dẫn đến cơn sốt giả tạo về thực phẩm, hàng tiêu dùng, vật tư y tế, như đã thấy một phần trong câu chuyện khan hiếm khẩu trang y tế khi có quá nhiều người mang tâm lý tích trữ đi mua hàng.
Tin đồn, tin giả làm khổ nhiều quốc gia chứ không chỉ Việt Nam, vấn đề là phải có cách để loại bỏ tác hại của nó đối với đời sống. Trong những ngày qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã khá “mạnh tay” trong việc xử lý đối với những người tung tin giả về dịch bệnh, đồng thời chủ động cung cấp thông tin chính xác để người dân không hoang mang và cũng không chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, suy cho cùng thì trong “cuộc chiến” với tin đồn vô căn cứ, tin giả, chính người dân mới là nhân tố quyết định “thắng - thua”. Nếu ai cũng bình tĩnh suy xét, lắng nghe ý kiến, thông tin từ nguồn đáng tin cậy, từ cấp có thẩm quyền và ngừng việc chia sẻ, lan truyền thông tin với dụng ý xấu, thông tin ngụy tạo nhằm trục lợi thì chắc chắn tin giả không còn đất sống.