Cú hích mở đường cho thời trang Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 16:35, 14/02/2020
Những “bứt phá”...
Công Trí nổi tiếng trong nước đã lâu. Năm 2014, anh là nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách Ủy viên của Hiệp hội Thời trang châu Á. Nhưng tên tuổi của anh chỉ thực sự được biết đến trên thế giới sau khi xuất hiện tại Tuần lễ thời trang Tokyo vào tháng 3-2017 với bộ sưu tập có tên Em Hoa. Bộ sưu tập gây tiếng vang lớn và lọt vào “mắt xanh” của đội ngũ stylist của ca sĩ Mỹ Rihanna. Ngay sau đó, ca sĩ Katy Perry đã chọn tới 3 bộ trang phục của Công Trí cho sự kiện Witness Tour của mình tại Bắc Mỹ...
Đến năm 2019, Công Trí lại tiếp tục gây ngỡ ngàng cho làng thời trang thế giới khi anh xuất hiện liên tiếp tại Tuần lễ thời trang New York thu - đông 2019 (diễn ra vào tháng 2-2019), và Tuần lễ thời trang New York xuân - hè 2020 (diễn ra vào tháng 9-2019). Các tạp chí thời trang lớn trên thế giới đều đưa tin về Công Trí, coi đó như một hiện tượng đặc biệt, là nhà thiết kế mới đầu tiên tại New York Fashion Week có bộ sưu tập được nhiều người nổi tiếng chọn ngay sau đêm diễn với 10 mẫu áo được đặt hàng. Hiện đã có hơn 20 nhân vật nổi tiếng thế giới, từ những ngôi sao hạng A như: Beyonce, Rihanna, Katy Perry, Gwen Stefani... đến cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama chọn mặc trang phục của anh trong những sự kiện quan trọng.
Cùng với Công Trí, một số nhà thiết kế của Việt Nam hiện cũng đã tìm được con đường riêng để đến với sàn diễn thế giới như nhà thiết kế Hoàng Hải, được biết đến với những mẫu trang phục dạ hội sang trọng dành cho các hoa hậu Pháp; nhà thiết kế Võ Việt Chung nổi tiếng trong việc khôi phục và quảng bá chất liệu lãnh Mỹ A, lụa Tân Châu ra thế giới; nhà thiết kế Nguyễn Thủy nổi tiếng với chất liệu gấm, từng mang mẫu thiết kế của mình tới New York và Paris trong tháng 9-2019... Tuy nhiên, nhìn chung, sự thành công của các nhà thiết kế Việt Nam hiện mới chỉ ở mức khiêm tốn.
“Công thức” để vươn ra thế giới?
Trước Công Trí, nhà thiết kế Minh Hạnh được coi là “chiến binh” của thời trang Việt khi bà xông pha đưa những thiết kế của mình tới nhiều sàn diễn thời trang danh tiếng. Nhà thiết kế Minh Hạnh cũng là người thầy, người dẫn dắt của rất nhiều nhà thiết kế trẻ, kể cả Công Trí.
Khi được hỏi về bí quyết để đưa thời trang Việt ra thế giới, Minh Hạnh luôn cho rằng các nhà thiết kế phải mang tinh thần của “chiến binh” thì mới có thể hy vọng chinh phục được những sàn diễn lớn bởi làng thời trang thế giới cạnh tranh rất quyết liệt nhưng cũng rất sòng phẳng. Và “gươm báu” mà các chiến binh mang theo không gì khác chính là bản sắc văn hóa Việt Nam. Một nhà thiết kế phải luôn trả lời được cho công chúng câu hỏi: Mình là ai, mình từ đâu đến và bản sắc của mình là gì? Bí quyết làm nên thành công của nhà thiết kế Minh Hạnh chính là tà áo dài Việt Nam và những chất liệu truyền thống, đặc biệt là thổ cẩm.
Được coi là đại diện của thế hệ thành công tiếp theo, nhà thiết kế Công Trí khiêm tốn cho rằng mình mới chỉ đang đi những bước đầu tiên, chưa đủ để đúc kết công thức thành công. Song, theo anh, chỉ dựa vào chất liệu truyền thống là chưa đủ. Quan niệm nói đến Việt Nam là nói đến tơ lụa, áo dài, phở hay bánh mì đã quá cũ trong “thế giới phẳng” hiện nay. Công chúng cũng dễ dàng nhận thấy điều này trong các thiết kế của anh, đó là sự đa dạng trong kiểu dáng, chất liệu và đặc biệt là kỹ thuật cao, sự tỉ mỉ trong từng thiết kế.
Bên cạnh chất liệu lụa, lãnh Mỹ A của Việt Nam, Công Trí còn giới thiệu cả ngọc trai, nước hoa, giày dép, túi xách thương hiệu Việt Nam trong bộ sưu tập vừa qua ở New York Fashion Week. Quả thật, không chỉ với riêng Công Trí mà trong thiết kế của các nhà thiết kế trẻ hiện nay thì bên cạnh việc tôn vinh chất liệu truyền thống, họ đang hướng tới việc thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của thời trang thế giới - về sự sáng tạo, khả năng dẫn đầu xu hướng, bảo đảm những tiêu chuẩn kỹ thuật của thời trang cao cấp...
Rõ ràng, đã qua rồi thời kỳ thế giới quan tâm đến thời trang Việt chỉ bởi yếu tố “lạ”. Do vậy, bên cạnh các yếu tố liên quan đến bản sắc, các nhà thiết kế trẻ phải chứng minh với thế giới nhiều hơn về khả năng sáng tạo cũng như trình độ kỹ thuật cao. Việt Nam muốn có những thương hiệu thời trang toàn cầu, đó không phải là ước mơ quá xa xôi nếu các nhà thiết kế trẻ biết mang tinh thần “chiến binh” xông pha ra thế giới như Công Trí. Và cũng đừng trông chờ vào một công thức thành công nào bởi thời trang luôn là sáng tạo, là tiếng nói của mỗi cá nhân, mỗi người phải tự tìm thấy công thức thành công cho riêng mình.