“Cơn địa chấn” Oscar 2020: Cảm hứng cho điện ảnh Việt
Giải trí - Ngày đăng : 21:29, 14/02/2020
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm:
Bài học lớn trong xây dựng kịch bản
Ai cũng biết yếu tố quan trọng đầu tiên để có một bộ phim hay và đột phá là kịch bản. Với một kịch bản tồi thì ngay cả một đạo diễn thiên tài cũng bất lực.
Quá trình nghiên cứu tư liệu, xây dựng background của nhân vật (thông tin phía sau của nhân vật) đối với các nhà văn và biên kịch cực kỳ quan trọng và đó là một công việc vô cùng đơn độc - đúng như đạo diễn Bong Joon-ho đã phát biểu khi lên nhận giải Oscar Kịch bản gốc xuất sắc nhất cho phim Parasite. Bong Joon-ho luôn là tác giả kịch bản của các bộ phim do anh đạo diễn, điều đó biến anh thành một đạo diễn tác giả (auteur) với một phong cách làm phim xuyên suốt trong hai thập kỷ qua.
Ở Parasite, đồng biên kịch của Bong Joon-ho là Han Jin-won, trợ lý của ông. Bộ đôi này đã nghiên cứu và xây dựng kịch bản như thế nào để chiến thắng giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Oscar, điều mà chưa nhà biên kịch châu Á nào làm được, ngay cả Lý An? Câu trả lời có lẽ nằm ở sự kỳ công khi họ dành nhiều tháng trời để thu thập chất liệu, lên nhiều phương án cho kịch bản.
Trong ba tháng trời, Han Jin-won đã thực hiện một số nghiên cứu thực tế, như phỏng vấn những người giúp việc, gia sư và tài xế ở đời thực tại Seoul - những nhân vật có vai trò quan trọng trong bộ phim Parasite sau đó. Han Jin-won cũng đến các tầng hầm chật chội, nghèo khó của những người Seoul thuộc tầng lớp dưới đáy lẫn những căn biệt thự của giới nhà giàu tại các vùng ngoại ô để quan sát và theo dõi cuộc sống đời thường của họ. Sau đó, cả hai lên phương án kịch bản, chốt lại các ý tưởng chính để xây dựng thành một thư viện ngồn ngộn chất liệu...
Và kết quả là điện ảnh thế giới đã có được Parasite, một bộ phim khó có thể xếp vào một thể loại nào cụ thể, nó biến hóa và định nghĩa lại điện ảnh theo kiểu mới. Thông điệp mạnh mẽ, cách kể chuyện hấp dẫn, kịch bản vặn xoắn, bất ngờ không báo trước và cú bùng nổ cuối phim khiến bộ phim chinh phục hầu hết khán giả.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh:
Chiến thắng mang đến cảm hứng lớn cho điện ảnh Việt Nam
Parasite đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên một bộ phim nước ngoài thắng giải Oscar ở hạng mục Phim hay nhất. Chiến thắng của Parasite là tất yếu cho một bộ phim với cách kể thông minh, làm giật mình khán giả khi chạm tới vấn đề mà chúng ta đều quan tâm nhưng chưa dám nói hết cùng những thủ pháp nghệ thuật đầy dụng công. Bộ phim là một hiện tượng văn hóa toàn cầu khi dung hòa cả tính giải trí và sự lắt léo trong cách xử lý câu chuyện.
Chiến thắng này chứng tỏ rằng Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ đã tự “cởi trói” mình, mạnh dạn trao giải cho một phim nước ngoài. Khi chất lượng nghệ thuật và tầm ảnh hưởng của một bộ phim nước ngoài ngang bằng và có phần vượt trội hơn phim Hollywood, việc công nhận là xác đáng. Đáng lẽ việc này có thể phải diễn ra hơn chục năm trước, bởi có những năm giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất hay hơn phim đoạt giải Phim xuất sắc nhất nhiều lần.
Và chiến thắng này thực sự tạo ra nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim Việt Nam bởi cơ hội hiện nay rất rộng mở. Nếu chúng ta tìm được những câu chuyện mới mẻ, không chỉ có tính địa phương, riêng biệt mà còn có tính liên hệ với khán giả toàn cầu, chúng ta cũng có thể làm được kỳ tích. Nhưng theo tôi, để tiến đến đỉnh cao như vậy thì rõ ràng đây không chỉ là vấn đề sáng tạo của cá nhân mà là câu chuyện về trình độ của một nền điện ảnh quốc gia đã xây dựng từng bước vững chắc như thế nào. Nếu Parasite đến từ một nền điện ảnh khác, từ một nhà làm phim riêng lẻ, chưa chắc đã được chú ý như vậy nhưng với sự gây dựng lâu dài của điện ảnh Hàn Quốc, đây là một kết quả xứng đáng, bởi Oscar rõ ràng không phải là trò may rủi.
Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh:
Nghệ thuật và người xem
Trên thế giới hiện có nhiều khuynh hướng làm phim, tuy nhiên trong đó nổi lên hai khuynh hướng, một là những nhà làm phim hay tham dự sân chơi Liên hoan phim Cannes và những nhà làm phim hướng tới tranh giải Oscar. Hai mục tiêu này khác nhau, Cannes chú trọng sự tìm tòi nghệ thuật, cố gắng thỏa mãn phong cách của người làm phim mà gần như không đặt nặng vấn đề người xem. Còn phim dự Oscar thường hướng tới người xem nhiều hơn, sao cho phim hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu số đông người xem có trình độ.
Riêng phim Parasite được cả hai khuynh hướng làm phim trên đánh giá cao, đó là một điều đặc biệt. Tức là phim vừa đạt tầm nghệ thuật cao, vừa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng điện ảnh. Thực tế, không có nhiều phim đạt được thành công đồng thời như vậy.
Điện ảnh Việt Nam hôm nay đã hướng tới người xem nhiều hơn, song việc nắm bắt tâm lý người xem để thành công không hề dễ dàng đối với các nhà làm phim. Để có được nền điện ảnh phát triển như các nước tiên tiến, theo tôi, một mặt các nhà làm phim cần tiếp tục thay đổi phù hợp với trào lưu của thế giới, song bản thân người xem cũng phải học hỏi tự nâng cao trình độ thưởng thức điện ảnh. Có như vậy, mới tạo ra sự cộng hưởng giúp điện ảnh nước nhà phát triển mạnh mẽ hơn.