Bổ sung các tuyến xe khách chạy ban đêm: Cân đối hài hòa lợi ích
Giao thông - Ngày đăng : 06:51, 14/02/2020
Mỗi khi có nhu cầu, anh Nguyễn Hoàng Giang (ngõ 6 phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai) phải đi xe ôm xuống Bến xe Nước Ngầm để bắt xe khách đi chuyến muộn về quê ở Hà Tĩnh. “Bến xe Nước Ngầm có nhiều nhà xe chuyên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, chuyến muộn nhất khởi hành lúc 23h. Với hành trình mất 6-7 giờ chạy xe, ngủ một giấc là tôi về đến quê, vừa tiết kiệm thời gian, lại đỡ mệt mỏi. Giá như Bến xe Giáp Bát gần nhà tôi cũng có tuyến xe khách chạy đêm về Hà Tĩnh thì tốt quá!”- anh Giang chia sẻ.
Mong muốn của anh Nguyễn Hoàng Giang cũng là nhu cầu của nhiều hành khách khác. Tuy nhiên, trong số hàng ngàn tuyến vận tải hành khách liên tỉnh kết nối Thủ đô đến các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện nay, thì đại đa số hoạt động vào ban ngày. Số tuyến chạy đêm (hoạt động sau 20h đến 6h hôm sau) chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Nếu như ban ngày, đặc biệt ngày cuối tuần, các bến xe trên địa bàn thành phố luôn tấp nập người và phương tiện, thì sau 20h hằng ngày lại rất vắng vẻ; lác đác mới thấy có khách vào bến. Thậm chí, nhiều xe xuất bến với số ghế trống quá nửa.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội) cho biết, hiện mới có 105 tuyến xe hoạt động từ sau 20h tại các bến xe do Công ty quản lý. Trong đó, Bến xe Giáp Bát có 12 chuyến, Bến xe Mỹ Đình có 70 chuyến; Bến xe Gia Lâm có 23 chuyến...
Mới đây, tại buổi kiểm tra công tác phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan ngay trong năm 2020 nghiên cứu đề xuất để báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt mở thêm các tuyến xe khách chạy đêm. Theo ông Vũ Văn Viện, việc bổ sung các tuyến xe khách chạy ban đêm nhằm đạt ba mục tiêu: Giảm ùn tắc, thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông của thành phố vào các khung giờ ban ngày; khai thác hiệu quả công suất hoạt động của các bến xe; tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách. Để làm được việc này, thay vì đợi các doanh nghiệp vận tải đề xuất nhu cầu, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động rà soát lại quy hoạch luồng tuyến, từ đó đưa ra danh mục tuyến nhằm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động.
Cùng với công khai danh mục luồng tuyến, thành phố sẽ nghiên cứu, cho phép các tuyến chạy đêm được đi vào các đoạn, tuyến đường ngắn nhất nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách và giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải. Khi tổ chức được việc này, công tác tuyên truyền, quảng bá cần được thực hiện rộng rãi để hành khách biết và lựa chọn loại hình vận tải cũng như khung giờ di chuyển phù hợp. Khi đó sẽ bảo đảm hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Cũng theo ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội), nếu thành phố thống nhất bổ sung vào quy hoạch luồng tuyến, đơn vị sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải triển khai các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chủ trương này một cách hiệu quả nhất.
Một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, ban đầu thành phố cần có ưu đãi về phí bến, bãi; bố trí tần suất hoạt động phù hợp để các nhà xe có thể duy trì, thu hút thêm nhiều hành khách, tiến tới đưa các tuyến chạy đêm dần đi vào hoạt động ổn định. Với các nhà xe đăng ký hoạt động ban đêm phải cam kết tuân thủ đúng luồng tuyến, biểu đồ chạy xe, tránh tình trạng thời gian đầu hoạt động vào ban đêm ít khách, khó khăn lại tìm cách chuyển sang hoạt động ban ngày, vừa phá vỡ quy hoạch luồng tuyến, vừa gia tăng ùn tắc giao thông...