Xuất bản - những bài học trong kỷ nguyên số
Sách - Ngày đăng : 12:20, 15/02/2020
Thách thức thời công nghệ
Sách điện tử - sách số (ebook), sách nói (audio book), văn học mạng là những điểm không hẳn mới trong đời sống xuất bản, in ấn và phát hành, song đến nay vẫn đang là câu chuyện rất đáng nói của ngành này.
Thực vậy, tình thế của một xã hội phẳng, một cộng đồng không biên giới cả về việc đọc và tiếp cận các xuất bản phẩm (cả dạng sách in truyền thống và các nguồn tài nguyên phi truyền thống) đã đưa ngành Xuất bản vào một vị trí xuất phát mới, đầy tiềm năng. Tuy nhiên, hướng đi của các nhà xuất bản (NXB) Việt Nam hiện nay, thực tình cũng chỉ mới đáp ứng nhu cầu ở trong nước, duy trì cơ bản hình thức xuất bản truyền thống, trong không gian Việt Nam, bằng tiếng Việt.
Những năm qua, sự xuất hiện của một số NXB nước ngoài, sự tham gia của các đơn vị xuất bản quốc tế trong các hội chợ, triển lãm sách ở Việt Nam và ngược lại, cho thấy bước khởi động quan trọng hướng đến hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản. Thế nhưng, sách vở, tác phẩm của người Việt được in ấn, xuất bản dưới các hình thức ở nước ngoài nhìn chung vẫn còn hạn chế, phản ánh mức độ vươn ra sân chơi xuất bản quốc tế của NXB trong nước còn khiêm tốn. Trung tâm giao dịch bản quyền Con Sóc (Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Con Sóc) có 5 năm liên tục “xông pha” tại các hội chợ sách quốc tế uy tín, trở thành đối tác tin cậy của nhiều đơn vị xuất bản quốc tế lớn. Song nữ giám đốc tuổi 40 của đơn vị này phải thừa nhận: “Khao khát của tôi vẫn là đưa sách Việt ra thế giới, dù việc này khó trăm lần so với đưa sách nước ngoài vào Việt Nam”.
Mới đây, tiểu thuyết Chúa đất của nhà văn Đỗ Bích Thúy được dịch sang tiếng Hàn Quốc cũng là thông qua một quỹ văn hóa của Hàn Quốc, trên cơ sở dịch giả là GS.TS Ahn Kyong-hwan và quỹ này chủ động liên lạc với NXB Phụ nữ để đặt vấn đề chuyển ngữ.
Nhiều tác phẩm khác của các nhà văn Việt Nam được chuyển ngữ thời gian gần đây về cơ bản cũng đều từ những nỗ lực cá nhân, hoặc các tổ chức văn hóa.
Xuất bản trong kỷ nguyên số đặt ra rất nhiều vấn đề về sự tương thích mang tính hệ thống, về nguồn nhân lực và trình độ, tính pháp lý và các thỏa thuận thương mại, bản quyền... Vấn đề đào tạo con người, chuyên môn và kỹ năng xuất bản trong thời hội nhập vượt ra khỏi những hình dung truyền thống về nhiều phần việc như biên tập, sửa lỗi, chế bản, in ấn và phát hành.
Đơn cử, để tiếp cận các NXB hàng đầu thế giới hiện nay, các nhà văn đều phải thông qua một đại diện văn học. Đó là nhân vật cầu nối giữa NXB và tác giả, giúp tác giả hoàn thiện bản thảo, chọn được bà đỡ phù hợp nhất cho tác phẩm và được nhận một phần tác quyền từ NXB. Chúng ta rõ ràng chưa có những đại diện văn học trong hoạt động của xuất bản. Và bản thân các tác giả trong nước cũng không đủ điều kiện làm việc trực tiếp với người đại diện để có thể mang tác phẩm của mình ra thế giới…
Bức tranh xuất bản Việt Nam rõ ràng khá dè dặt, lãng phí nhiều tiềm năng, cơ hội.
Một chiến lược phát triển đúng đắn
Xuất phát từ thực tế trên, những bài học cho ngành Xuất bản mà chúng ta nên sớm nhận ra và học hỏi một cách thực sự sâu sắc, có lẽ cũng không nhiều.
Bài học đầu tiên, dễ nhận thấy là: Nếu chỉ chú ý đến lợi ích thương mại, ngành Xuất bản khó có thể tiếp cận sân chơi chung của thế giới. Hướng đến một nền xuất bản mang tính toàn cầu, tạo dựng những giá trị riêng, đóng góp vào nỗ lực chia sẻ, gìn giữ, phát huy các giá trị nhân loại là điều thực sự cần thiết để xuất bản Việt Nam từng bước vượt qua ranh giới quốc nội.
Một ví dụ cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam có tới hơn 60 triệu người dùng internet (tính đến năm 2019), là điều kiện rất thuận lợi cho xuất bản hiện đại. Tuy nhiên, có một lượng bạn đọc đông đảo là chưa đủ, tình trạng đạo văn, vi phạm bản quyền, sự “hồn nhiên” trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, tài nguyên, ấn phẩm điện tử của người dùng đã phản ánh tính thiếu chuyên nghiệp của cộng đồng khai thác dữ liệu trên nền tảng số của Việt Nam, là rào cản trong việc tiếp cận các đối tác xuất bản quốc tế.
Cũng phải kể thêm, sự hình thành các đế chế xuất bản, các tổ chức nắm giữ tài nguyên, sự thay đổi nền tảng công nghệ... có thể xem là điều tất yếu và từ đây sẽ làm nảy sinh những mô hình, cách thức xuất bản mới.
Bởi vậy, bài học thứ hai là các NXB không nên và không thể chậm trễ trong việc thay đổi nền tảng công nghệ, kỹ thuật, phương tiện, chuỗi giá trị mà mình mang đến, đánh giá kỹ lưỡng phân khúc khách hàng - người đọc... Không chỉ coi trọng sách giấy, mà còn cần tiến đến đa dạng hóa các loại hình xuất bản.
Thêm nữa, bài học thứ ba, xuất bản cần có định hướng, có sách lược và chiến lược để vừa có thể bắt nhịp với cơ chế thị trường vừa nâng cao chất lượng ấn phẩm, phát triển bền vững. Sự nở rộ các hình thức xuất bản kéo theo các hình thức liên kết đa phương tiện có lẽ sẽ trở thành hình thái căn bản của xuất bản. Nhưng, hãy cảnh giác, tiện ích từ công nghệ cũng đi kèm rất nhiều rủi ro. Cuốn sách Đừng mơ từ bỏ sách giấy của Jean-Claude Carrière và Umberto Eco đã thông báo về nguy cơ của xuất bản điện tử (sự lỗi thời nhanh chóng của các thiết bị đọc - đầu ra, những trải nghiệm không mang nhiều cảm xúc như khi cầm và giở từng trang sách giấy...).