Chủ động, đồng lòng

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:16, 16/02/2020

(HNNN) - Cho tới sáng ngày 14-2, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona (nay được gọi là Covid-19) tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).

Tại Việt Nam, diễn biến mới cho thấy tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Phản ứng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội mang tính đồng bộ, đạt hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng vẫn phải dự phòng tình huống phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân toàn tâm chung sức phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm.

Nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang được tích cực triển khai.

1. Lúc 7h46 phút ngày 13-2, bản tin Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn từ ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) cho biết, số ca tử vong do Covid-19 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tại tỉnh này đã tăng 242 người so với ngày trước đó; tới sáng ngày 14-2, thông tin cho thấy có thêm 116 người chết tại Hồ Bắc và tổng số chết kể từ đầu mùa dịch trên toàn Trung Quốc tính tới sáng 14-2 là hơn 1.480 người. Tuy nhiên, sau đó với lý do tính toán nhầm, số ca tử vong được xác định lại chỉ còn 1.380 người. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại tỉnh Hồ Bắc là gần 52.000, tính trên toàn Trung Quốc là hơn 64.600 ca.

Trên thế giới cũng có những tin mới không vui khi thủ đô London của Vương quốc Anh có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Nhật Bản xác nhận vào trưa 13-2 là đã có thêm 44 ca nhiễm mới trên tàu du lịch Diamond Princess - nơi được cho là có mật độ nhiễm Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc, nâng tổng số ca mắc trên du thuyền này lên 218 người. Tới sáng 14-2, tin không mong muốn đã tới khi tại Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do Covid-19...

Tuy thế, cũng có nhiều tin đang được cả thế giới chờ đợi. Đáng nói nhất là ngày càng có nhiều ca bệnh do Covid-19 được chữa khỏi, trong đó, ngoài Trung Quốc còn có Việt Nam (7/16 ca bệnh được chữa khỏi - tính đến sáng 14-2), Thái Lan... Một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã phân lập được vi rút gây bệnh, tạo tiền đề quan trọng cho những bước nghiên cứu tiếp theo phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 và chăm sóc bệnh nhân hiệu quả hơn.

Điểm qua tình hình chung với những diễn biến phức tạp để nhận thấy rõ hơn về hiệu quả phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam, Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác.

2. Cho đến giờ phút này, có thể nhận định rằng phản ứng của Việt Nam trước dịch bệnh nguy hiểm do Covid-19 là bài bản, kịp thời, hiệu quả. Các phần việc được triển khai mang tính đồng bộ, thể hiện sự quyết liệt, tự tin, không hoang mang hay nóng vội, bảo đảm huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 1-2, sau khi có thông tin chính xác về những trường hợp mắc bệnh do Covid-19 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg “Về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra” (nay được Tổ chức Y tế thế giới định danh chính thức là Covid-19) với địa điểm xảy ra dịch là tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.

Cùng với quyết định công bố dịch là hàng loạt giải pháp được triển khai theo tinh thần của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bao gồm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; tổ chức cách ly y tế; vệ sinh, khử khuẩn trong vùng có dịch; ban hành chỉ dẫn bảo vệ cá nhân; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan... Những giải pháp được ban bố không chỉ nhằm khoanh vùng cách ly, khống chế dịch tại những nơi đã xác định ca bệnh mà còn hướng đến tình huống xấu nhất, chẳng hạn nếu dịch bùng phát trên diện rộng và số ca nhiễm lên tới hàng nghìn người.

Chỉ đạo của Chính phủ đã được cụ thể hóa bằng rất nhiều hoạt động mà tới giờ này, thật khó thống kê đầy đủ và đưa ra một cách chi tiết. Chỉ biết rằng trong khoảng thời gian ngắn, Việt Nam đã thực hiện đồng thời nhiều phần việc quan trọng, trong đó có kiểm soát chặt chẽ số người trở về/ tới Việt Nam từ vùng có dịch, khoanh vùng xác định và cách ly số người có tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng như tổ chức cấp cứu, điều trị với sự hỗ trợ tốt nhất về y tế đối với những ca bệnh do Covid-19; triển khai các khu cách ly và chuẩn bị kỹ phương án lập bệnh viện dã chiến...

Ngày 12-2, sau khi đã tăng cường nhân lực, vật tư y tế giúp tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường giải pháp phòng, chống dịch nhưng nhận thấy tình hình tại đây xấu đi, số ca nhiễm tăng lên và xuất hiện ca bệnh có dấu hiệu rõ hơn về việc vi rút lây từ người sang người, chúng ta đã quyết đoán thực hiện giải pháp cách ly khu vực “nóng” nhất - xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên), nơi vào trưa 13-2 đã xuất hiện thêm một ca mắc Covid-19. Bên cạnh đó là những giải pháp nhằm khơi luồng thông thương; đón người Việt Nam còn ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc trở về; tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác...

3. Trong những ngày vừa qua, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh do Covid-19.

Hà Nội, với lưu lượng khách du lịch quốc tế lớn, trong đó có nhiều du khách Trung Quốc tới du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, lại ở sát tỉnh Vĩnh Phúc - điểm nóng dịch bệnh hiện nay... nhưng tính đến sáng 14-2 vẫn chưa có ca dương tính với Covid-19 được phát hiện. Những trường hợp trở về từ vùng có dịch được giám sát chặt chẽ. Các địa phương thực hiện tốt công tác phòng dịch, công khai tình hình dịch bệnh cũng như các trường hợp cần cách ly hoặc giám sát theo quy định để nhân dân biết, yên tâm thực hiện giải pháp tự bảo vệ, không hoang mang bởi biết rằng cả hệ thống chính trị thành phố cũng như cả nước đang vào cuộc chủ động, hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Có được điều đó là do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố, sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cũng như sự tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của đa số người dân. Phương án xây dựng bệnh viện dã chiến, hình thành các khu cách ly, đón người Việt Nam từ vùng dịch trở về, kế hoạch khử khuẩn trường học, các điểm đến du lịch và các khu dân cư, chung cư... đã và tiếp tục được thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc chặng đua thứ 3 của giải đua xe Công thức 1 (F1) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 đến ngày 5-4-2020 dự kiến vẫn diễn ra theo kế hoạch cho thấy sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào công tác phòng, chống dịch của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

4. Chiều 12-2, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý chúng ta phải đồng thời chống vi rút gây bệnh và “vi rút trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng ngày, Thành ủy Hà Nội ban hành công văn thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó đề cập yêu cầu tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tự giác phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Cũng trong ngày 12-2, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phục để người dân có ý thức bảo vệ chính mình và người thân, góp phần bảo vệ cộng đồng...

Những chỉ đạo nói trên cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, và yêu cầu tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc chung tay phòng, chống dịch bệnh. Nếu chúng ta muốn đi qua mùa dịch một cách ổn thỏa nhất ở mức có thể, điều quan trọng là từng người phải xác định mình là một phần trong quá trình đó, không thể tách rời.

Sự trì trệ không chỉ xuất hiện ở đâu đó trong bộ máy, mà còn có ở trong dân - những người còn lơ là nhiệm vụ tự bảo vệ mình và tham gia bảo vệ cộng đồng, hay thể hiện sự vô cảm qua việc lợi dụng tình thế khó khăn của đất nước để trục lợi mà những vụ “chặt chém” khách mua khẩu trang y tế chỉ là một ví dụ cụ thể. “Lên mạng” dựng chuyện về người nhiễm Covid-19; bỏ trốn khỏi khu cách ly; làm giả dung dịch sát khuẩn hoặc khẩu trang; quảng cáo cách chữa bệnh “quái dị” hay “nổ” về dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19..., tất cả đều là việc cần phải lên án và tìm ra cách xử lý hiệu quả.

Sự nỗ lực sẽ không dừng lại, những tình huống tiếp theo đã được dự phòng, không chủ quan dù hy vọng mùa dịch sẽ qua đi mà Thủ đô và đất nước không có quá nhiều tổn thất. Muốn có được kết quả tốt đẹp, không có gì khác hơn là từng người trong chúng ta xác định rõ tinh thần chủ động, tự tin đồng lòng tham gia vào “cuộc chiến” chống dịch bệnh do Covid-19.

Hoàng Lê