Cẩm nang quan trọng về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp

Chính trị - Ngày đăng : 06:45, 16/02/2020

(HNM) - Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 8-7-2019 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đây là cẩm nang quan trọng để các cấp ủy thành phố Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu những điểm chính của Kế hoạch số 155-KH/TU.

Tránh qua loa, hình thức

Kế hoạch số 155-KH/TU gồm 6 yêu cầu, 6 nội dung, 13 điểm phân công tổ chức thực hiện và 4 phụ lục. Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Trong đó, công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp. Cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải được đặc biệt coi trọng về chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch.

Văn kiện trình đại hội gồm hai báo cáo chủ yếu. Đó là báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm cấp ủy trong nhiệm kỳ. Riêng đối với các chi bộ cơ sở, hai báo cáo này có thể viết chung trong cùng một văn bản.

Theo Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, báo cáo chính trị của đảng bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; làm rõ được ưu điểm, khuyết điểm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, 8 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá mà Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đề ra. Trong khi đó, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, xây dựng; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân...

Để nâng cao chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội, ngoài các báo cáo trên, các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội, chương trình hành động để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, tránh qua loa, hình thức. Đặc biệt, các ý kiến khác nhau cần dành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng.

Thí điểm bầu bí thư cấp ủy

Nội dung chiếm dung lượng lớn nhất trong Kế hoạch số 155-KH/TU là chỉ đạo về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy.

Thành ủy Hà Nội nêu rõ, căn cứ đặc điểm, tình hình và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, chủ động sắp xếp, bố trí cán bộ để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chủ trương bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; tích cực thực hiện với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND ở những nơi có điều kiện. Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy. Tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp thành phố và cấp huyện; dưới 35 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên.

Cũng theo Kế hoạch, cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ và thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và phấn đấu ba độ tuổi trong thường trực cấp ủy. Vào đầu nhiệm kỳ, nơi nào chưa chuẩn bị đủ số lượng, cơ cấu thì phải khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ sung, thay thế trong nhiệm kỳ bảo đảm đủ cơ cấu, tỷ lệ theo đúng quy định.

Liên quan đến quy trình nhân sự, theo Thành ủy Hà Nội, các bí thư cấp ủy quận, huyện, thị xã và các đảng bộ khối trực thuộc Thành ủy đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị, nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy khóa mới thì Ban Thường vụ Thành ủy phân công công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác.

Về bầu cử, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy ở những nơi đảng bộ đoàn kết, thống nhất cao; nhân sự phải thực sự tiêu biểu và phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp. Trừ những nơi bầu trực tiếp bí thư cấp ủy, đại hội thực hiện lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy trong số đồng chí trúng cử vào ban chấp hành cấp ủy khóa mới. Kết quả giới thiệu của đại hội để cấp ủy khóa mới tham khảo khi bầu bí thư cấp ủy. Trường hợp giới thiệu của đại hội khác với phương án nhân sự được duyệt thì báo cáo cấp ủy cấp trên cho ý kiến chỉ đạo trước khi bầu bí thư cấp ủy.

Cũng theo Kế hoạch số 155-KH/TU, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ có không quá 500 đại biểu. Đại hội đảng bộ các quận, huyện, thị xã, đảng bộ khối, đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy không quá 300 đại biểu. Đại hội đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên thì tiến hành đại hội đảng viên; có từ 200 đảng viên trở lên thì tiến hành đại hội đại biểu. Trường hợp đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên nếu khó khăn về điều kiện tổ chức đại hội đảng viên và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý thì tổ chức đại hội đại biểu.

Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở tổ chức không quá 2 ngày; bắt đầu từ tháng 4-2020, hoàn thành trước ngày 30-6-2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện, đảng bộ khối, đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy không quá 3 ngày, hoàn thành trước ngày 31-8-2020. Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31-10-2020.

Quốc Bình