Tỷ giá VND/USD biến động vì dịch bệnh Covid-19: Không đáng lo ngại!
Tài chính - Ngày đăng : 07:44, 18/02/2020
Đợt “sóng” đầu tiên trong năm 2020
Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, tỷ giá VND/USD tăng khá mạnh, do đồng USD trên thị trường quốc tế tăng trước những lo ngại của giới đầu tư khi dịch bệnh do Covid-19 bùng phát và có nguy cơ lan rộng. Điều này khiến tỷ giá trong nước cũng biến động theo.
Cuối tháng 1-2020, giá USD được các ngân hàng niêm yết phổ biến ở mức 23.165 VND/USD (mua vào) - 23.305 VND/USD (bán ra), tăng 60 VND/USD so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Đến đầu tháng 2-2020, tỷ giá có thời điểm tăng thêm 35 VND/USD, lên 23.200 VND/USD (mua vào) - 23.340 VND/USD (bán ra), thậm chí có thời điểm tăng 90 VND/USD.
Tuy nhiên, tỷ giá không duy trì mức cao trong thời gian dài, bởi ngay sau đó đã giảm, dù mức giảm không nhiều. Trong một số ngày giao dịch gần đây, giá bán USD được ngân hàng niêm yết phổ biến là 23.290 - 23.310 VND/USD. Như vậy trong 2 tuần của tháng 2, tỷ giá USD đã có nhiều biến động. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15-2 ở mức 23.215 VND/USD, tăng khoảng 10-15 đồng so với cuối tháng 1.
Theo Báo cáo định kỳ tháng 2-2020 của Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), tỷ giá đang trong xu hướng ổn định trở lại so với mấy ngày đầu tháng 2 biến động. Tuy nhiên, mức bình quân tháng 2 được dự báo sẽ cao hơn đáng kể so với tháng 1. Suốt thời gian qua, giá USD giao dịch trên thị trường 1 (giữa ngân hàng với dân cư và doanh nghiệp) luôn bám sát tỷ giá liên ngân hàng, với chênh lệch thường trong khoảng 40-50 đồng.
Theo ông Phạm Chí Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần ODMG (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), những biến động của tỷ giá thời gian gần đây không phải do tình hình căng thẳng ngoại tệ trong nước, mà chủ yếu do những tác động từ bên ngoài. Đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cũng như những thông tin về chính sách điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thông thường, USD và vàng được coi là những kênh đầu tư mà giới đầu tư lựa chọn khi có những bất ổn về chính trị, kinh tế. Song, tỷ giá tăng ở thời điểm này chưa gây bất lợi cho doanh nghiệp, bởi ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đều đã có giải pháp dự báo và phương án cho tỷ giá, để tránh bị “sốc”.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, dịch bệnh do Covid-19 gây ảnh hưởng đến kinh tế vùng có dịch nói riêng và thế giới nói chung khiến đồng nhân dân tệ giảm giá và đồng USD tăng giá nên tác động đến tỷ giá trong nước. Bên cạnh đó, tháng 1-2020, Việt Nam nhập siêu nhẹ vì liên quan đến thời vụ. Song nhìn chung, tỷ giá diễn biến như vậy là hết sức bình thường, phản ánh tâm lý chung của thị trường.
Những dự báo và giải pháp
Theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thương mại và du lịch giảm sút có thể khiến nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như năm 2019. Tuy vậy, với lượng dự trữ ngoại hối đã tích lũy được trong những năm qua sẽ được coi là “bộ đệm” để Việt Nam có thể ứng phó với các biến động tỷ giá. Tỷ giá giao dịch trên ngân hàng dự báo sẽ có biến động nhưng mức tăng không nhiều, vẫn cách khá xa đỉnh ghi nhận trong năm 2019, trừ khi có những diễn biến trầm trọng hơn của dịch bệnh.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng, tỷ giá trong nước đang chịu sức ép lớn từ biến động của USD và đồng nhân dân tệ. Trong khi USD liên tục tăng giá mạnh, thì đồng nhân dân tệ lại rơi vào trạng thái “lao dốc”. Đối với thị trường trong nước, tỷ giá giữa VND và USD chỉ tăng nhẹ từ đầu năm đến nay, nhưng lại đẩy VND tăng khá lớn so với đồng nhân dân tệ. Nếu mức giảm của đồng nhân dân tệ chưa dừng lại sẽ khiến VND tiếp tục tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh do Covid-19.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp không nên quá lo ngại với kịch bản tỷ giá của năm 2020. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng nhóm Marketing của Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu cho biết: "Với mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam như hiện nay, tôi tin rằng bức tranh tỷ giá năm 2020 sẽ không quá u ám. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chuẩn bị những kịch bản cho biến động của tỷ giá trước tình trạng dịch bệnh tiếp tục bùng phát".
Trong khi đó, nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào sẽ giúp tỷ giá USD ổn định trong thời gian tới. Cụ thể, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong tháng 1-2020 đạt 1,6 tỷ USD (tăng 3,2% so với cùng kỳ), lượng vốn FDI đăng ký mới cũng đạt 5,33 tỷ USD (tăng 2,8 lần).
Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ không dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các tổ chức tín dụng bám sát diễn biến thị trường. Bởi ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ là một trong những mục tiêu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.