Tận dụng tốt thời cơ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 19/02/2020

(HNM) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, tạo ra một bước ngoặt cho quá trình hội nhập sâu, rộng của nền kinh tế Việt Nam. Khi hiệp định này có hiệu lực (dự kiến vào tháng 7-2020), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội, tiềm năng lớn kèm theo những thách thức với hàng loạt quy định và chuẩn mực khắt khe.

Trước sự kiện quan trọng này, không ít người lo ngại nền sản xuất của Việt Nam không thích ứng kịp, rất dễ “lợi bất cập hại”. Sự lo ngại trước cái mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, trong thời gian qua, khi nước ta tham gia một số hiệp định thương mại tự do, chưa có lĩnh vực, ngành nghề nào tê liệt hay bị phá sản vì hội nhập. Ngược lại, những lợi ích chúng ta nhận được là kinh tế thị trường vận hành theo các chuẩn mực, xu hướng chung của thế giới ngày một rõ nét. Cụ thể là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng; hệ thống pháp luật, môi trường kinh doanh thêm minh bạch; các doanh nghiệp ngày một trưởng thành và người tiêu dùng được hưởng lợi khi có thêm nhiều sự lựa chọn… 

Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là: Làm thế nào để Việt Nam có thể tự tin đi trên “tuyến đường cao tốc hiện đại nối Việt Nam với châu Âu” (như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) đúng với tiềm năng, sự kỳ vọng?

Đầu tiên, khi tham gia một sân chơi nào đó bắt buộc phải tìm hiểu luật chơi. Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 70% doanh nghiệp của Việt Nam chưa tìm hiểu về EVFTA. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp - chủ thể của nền kinh tế, chưa thật sự sẵn sàng.

Đơn cử như mặt hàng hải sản của Việt Nam - trong đó có mặt hàng tôm có lợi thế lớn vì sẽ chỉ chịu mức thuế nhập khẩu 0% trong khi các đối thủ chính là Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan phải chịu mức thuế suất lần lượt là 4,2%, 7% và 12% khi vào thị trường EU. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào EU phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu rất cụ thể: Nguồn gốc lô tôm đó được đánh bắt ở phạm vi địa lý nào trên biển, thủy thủ đoàn có bao nhiêu người Việt, điều kiện lao động thế nào; phương pháp đánh bắt tôm có gây ô nhiễm môi trường không; quy trình bảo quản, chế biến ra sao...? Đa phần những quy định đó đều mới mẻ so với tập quán nuôi trồng, đánh bắt, chế biến của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

Dẫn chứng trên cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA cho các doanh nghiệp xuất khẩu, người dân cần được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, trên cơ sở quy hoạch, định hướng của Trung ương, các cấp, ngành, địa phương phải hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, liên kết trong chuỗi cung ứng của từng lĩnh vực, ngành nghề. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu vào EU.

Một vấn đề quan trọng khác, đó là một ngành hàng đơn lẻ, một địa phương, một bộ, ngành sẽ không đủ sức quán xuyến việc đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Do đó, cần thiết phải tạo lập mối tương tác, hỗ trợ chặt chẽ giữa các cấp, ngành và địa phương. Song song đó là nâng cao năng lực của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, từ đó tạo sự liên kết để giảm chi phí, tăng hiệu quả trong xúc tiến thương mại, đặc biệt trong việc giải quyết tranh chấp - phòng vệ thương mại (vấn đề thường gặp khi làm ăn với các đối tác lớn).

Thị trường EU giàu triển vọng nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập, mở rộng thị trường phải am hiểu luật chơi của đối tác, thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh để thích ứng, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, kỹ năng quản trị. Qua đó, tận dụng tốt thời cơ mà EVFTA mang lại để tạo ra những hiệu quả mới trong sản xuất, kinh doanh. 

Liên Nhi